Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Ninh – Trưởng đại diện tổ chức GRET cho biết: Với mong muốn xây dựng một chương trình, dự án mới trong lĩnh vực sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng hướng tới các hộ dân nghèo thuộc khu vực nông thôn, miền núi, bắt đầu từ tháng 10/2017, tổ chức GRET đã triển khai một số hoạt động nghiên cứu, khảo sát việc sử dụng năng lượng tại các hộ gia đình từ đó đề ra các giải pháp can thiệp khả thi, hiệu quả và bền vững. Một trong các nội dung khảo sát được thực hiện đó là nghiên cứu khả thi của việc phổ biến bếp cải tiến tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Bà Lê Gia Thanh Trúc – cán bộ dự án về năng lượng của GRET cho rằng: Bếp cải tiến tận dụng nguồn nhiên liệu sinh khối, đem lại hiệu suất cao, giúp người dùng giảm thiểu nhiên liệu, thời gian đun nấu và khói bếp khi sử dụng. Từ đó, bếp góp phần làm ngăn chặn nạn phá rừng, giảm phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, loại bếp này chưa được phổ cập rộng rãi tại các vùng nông thôn miền núi Việt Nam – nơi có tỉ lệ sử dụng bếp kiềng cao và có nhu cầu lớn đối với bếp cải tiến.
Trước thực trạng ấy, tổ chức GRET, với nguồn tài trợ của quỹ Rexel, triển khai một nghiên cứu đánh giá tính khả thi của việc đưa bếp cải tiến vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng nông thôn miền núi. Nghiên cứu được thực hiện với 2 nội dung chính: Khảo sát quy mô lớn tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên về điều kiện kinh tế xã hội, nhu cầu và thói quen đun nấu của người dân; và thử nghiệm thực tế 2 loại bếp cải tiến 3G (Solarserve) và T16 (Thế hệ xanh) tại 32 hộ dân thuộc 2 địa phương trên.
Theo bà Lê Gia Thanh Trúc, tại 2 địa bàn triển khai thử nghiệm, người dân sử dụng bếp kiềng gần như tuyệt đối mặc dù bếp kiềng ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen đun nấu, thói quen lấy củi và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết người dân đều có nhu cầu sử dụng bếp cải tiến lớn nhằm giảm nhiên liệu đun nấu, dễ nhóm lửa, an toàn, giảm khói và giảm thời gian nấu.
Về kết quả của đợt thử nghiệm bếp thực tế trên 32 hộ dân tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên, ông Nguyễn Hữu Ninh đánh giá: Bếp cải tiến rất được lòng người dân ở 2 tỉnh Điện Biên và Thanh Hóa. Dù còn những vướng mắc và ý kiến đóng góp cho nhà sản xuất, nhưng người dân vẫn sẵn lòng mua lại nếp sau 1 tháng trải nghiệm. Người dân sẵn sàng chi trả khoảng 300-400 nghìn đồng cho một chiếc bếp cỡ vừa và hơn 500-550 nghìn cho một chiếc bếp cỡ lớn – số tiền lớn hơn nhiều so với đợt khảo sát trước kia.
“Tuy nhiên bếp cải tiến vẫn chưa hoàn toàn thay thế được bếp kiềng truyền thống. Với những hộ dân nuôi lợn và nấu rượu, bếp cải tiến cỡ trung bình là chưa đủ khỏe cũng như độ rộng để bắc những nồi lớn như vậy, trong khi những nồi như vậy nấu mới tốn củi. Vì vậy, nếu chỉ nấu cơm, đun nước cho gia đình thì bếp cải tiễn cỡ trung là ổn nhưng nếu có thêm khách hoặc cần nấu nồi lớn thì vẫn phải sử dụng bếp kiềng hoặc sử dụng bếp cải tiến cỡ lớn hơn” – ông Nguyễn Hữu Ninh đánh giá thêm.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc công ty CP Thế hệ xanh, nhà sản xuất bếp cải tiến T16 cho biết: Không chỉ riêng bếp T16 mà tất cả các loại bếp cải tiến xanh của Công ty CP Thế hệ xanh đều được thiết kế với tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường. Đây là loại bếp ít khói và tạo than sinh học, tiết kiệm 50 - 60% củi đun, 20-30% thời gian nấu và giảm thiểu lượng khí thải CO2 hằng năm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong tương lai, bếp kiềng cần được thay thế bằng bếp cải tiến và phổ biến rộng rãi việc sử dụng bếp cải tiến tới cộng đồng ở nông thôn, miền núi và thậm chí ở ngoại thành Hà Nội
Ông Nguyễn Tấn Bích – Giám đốc Tổ chức Solar Serve Việt Nam, nhà sản xuất bếp cải tiến 3G cho rằng ở các khu vực nông thôn, miền núi còn tồn tại nhiều vấn đề như: Phương pháp nấu ăn truyền thống buộc phụ nữ và trẻ em mỗi tuần phải mất nhiều giờ đi thu gom củi đốt và họ phải tham gia vào những việc làm rất nguy hiểm; khói từ bếp truyền thống gây ra những bệnh về phổi và mắt cho phụ nữ và trẻ em; biến đổi khí hậu (bão và lũ lụt, hạn hán và mất mùa).
“Bếp cải tiến 3G của chúng tôi là giải pháp cho những vấn đề trên. Bếp giúp giảm thiểu gánh nặng cho người phụ nữ, giảm 60% nhiên liệu đun nấu, giảm 60-70% khói và giảm thiểu thời gian đun nấu. Sản phẩm của chúng tôi có thể bán trên thị trường và người dân chắc chắn được hưởng lợi từ nó” – ông Nguyễn Tấn Bích khẳng định.
Để có thể cải thiện và tìm ra những phương án tốt nhất cho bếp cải tiến với người dân vùng nông thôn miền núi, hai nhà sản xuất xin tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình dùng thử nghiệm bếp cải tiến và những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo. Đồng thời, hai nhà sản xuất cũng hy vọng sẽ có những bước triển khai kế tiếp để dự án không dừng lại ở việc thử nghiệm.