Về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi, đặc biệt là tính bền vững chưa đạt được yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 02/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị thời gian tới Chính phủ cần có giải pháp khắc phục triệt để, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm đối với bộ, ngành, địa phương hàng năm. Đặc biệt phân công các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách các vùng kinh tế trọng điểm làm tổng chỉ huy chỉ đạo và điều phối.
Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, sau khi góp ý về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững trong tái cơ cấu nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng: phát triển kinh tế biển đảo là trọng tâm chiến lược của tái cơ cấu nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Yến phân tích: Việt Nam với hơn 3.260km bờ biển, 114 cửa sông lạch, khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ và hơn 1.000.000 km2 vùng biển. Nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản dồi dào, đồng thời là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Với những điều kiện trên hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế biển quan trọng như cảng biển, thủy sản, dầu, khí, khai khoáng, hàng hải, du lịch và nhiều lĩnh vực dịch vụ liên quan.
Thực tế hệ thống cảng biển Việt Nam có gần 50 cụm cảng biển lớn nhỏ phân bổ đều từ Bắc vào Nam của 25 tỉnh, thành, trong đó nhiều tổ hợp cảng trung chuyển quốc tế được đầu tư như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Đặc biệt hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đón tàu có trọng tải lớn lên đến 160.000 tấn đi thẳng Châu Âu, Hoa Kỳ không qua trung chuyển ở nước thứ ba. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa thông quan chưa đạt được yêu cầu.
Toàn cảnh phiên họp sáng 02/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Dịch vụ sau cảng như logistics, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế trước sức cạnh tranh đánh bắt thủy sản, khai thác đường thủy chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy tiềm năng du lịch biển, vai trò lợi ích kinh tế biển chưa được xác định rõ để hình thành và đầu tư. Biến đổi khí hậu làm xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến lãnh thổ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta...
“Nếu có chiến lược phát triển kinh tế biển một cách đúng hướng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ tạo ra một nguồn lực kinh tế vô cùng to lớn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước” – Bà Nguyễn Thị Yến nói.
Để làm được điều này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cần phải có chính sách đầu tư, kết cấu hạ tầng theo hướng lấy vùng ven biển làm trục phát triển, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối hệ thống cảng với đường bộ, đường sắt, đường thủy và các khu công nghiệp. Có chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, phân công hiệu quả kinh tế vùng, liên kết vùng.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, cần tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tiềm năng, nguồn lợi từ biển trên cơ sở đảm bảo chủ quyền và tôn trọng lợi ích quốc gia. “…Để phát huy tiềm năng, lợi thế của đất nước, chúng ta phải tập trung nguồn lực cho các ngành mũi nhọn, trong đó là phát triển kinh tế du lịch và trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế biển đảo” - bà Nguyễn Thị Yến nói.
Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)