Phía sau sự sầm uất

25/07/2019 09:50

(TN&MT) - Bây giờ, nhìn sâu trong sự phát triển của các thành phố ở Việt Nam, ta dễ nhận thấy những mặt đối lập cần chỉnh sửa để bộ mặt đô thị hài hòa, phát triển bền vững hơn.

1pic1 1653
Một góc Thủ đô Hà Nội. Nguồn: Internet

Nếu chỉ đi trên các con phố trong nội thành Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh hay TP.HCM, nhìn những cao ốc san sát, những dãy phố buôn bán tấp nập… chúng ta đều có cảm nhận đang sống trong không khí đô thị sầm uất, đậm đặc. Nhưng thực ra không hoàn toàn vậy, trên tổng diện tích của các đô thị lớn ấy, vẫn có tới phân nửa thuộc về các xã - nghĩa là diện tích thành phố là đô thị theo đúng nghĩa của nó còn khá khiêm tốn.

Nhà ở được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng đô thị Việt Nam. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, nhưng trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở.

Dù đã phát triển với hơn 800 đô thị lớn nhỏ, nhưng bên rìa nhiều đô thị ở Việt Nam, chỉ cần ra ngoại thành một chút thôi, sẽ thấy vẫn hiện hữu những làng quê với lối sống thôn dã rõ nét. Đó cũng là nơi cư ngụ của hầu hết cư dân làm nông hoặc bán nông nghiệp. Và ở đây, không khó bắt gặp những con đường đất, đường lát gạch, cấp phối nhỏ hẹp quanh co… đặc điểm nông thôn khá rõ.

Ngay với Thủ đô Hà Nội, đến nay, mới có hơn một nửa số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong khi đó, trên địa bàn có 32 trạm cấp nước sạch nông thôn không hoạt động do công trình đầu tư dang dở hoặc bị xuống cấp. Hiện, có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000m3/ngày đêm, cấp nước ổn định cho khoảng 100.000 hộ dân, chiếm 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố.

Nhu cầu sử dụng nước sạch ở Thủ đô là lớn. Tổng công suất nguồn tập trung của thành phố đạt trên 1.200.000m3/ngày đêm (nguồn nước ngầm trên 600.000 m3 mỗi ngày đêm, nước mặt khoảng 600.000m3/ngày đêm), đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực đô thị với chỉ tiêu 120 - 150 lít một người mỗi ngày. Để phát huy tối đa công suất các nguồn cung cấp hiện có, UBND thành phố đã giao các nhà đầu tư tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển mạng cấp nước cho khu vực nông thôn, mục tiêu nâng tỷ lệ người dân được cấp nước sạch từ 55,5% lên khoảng 73 - 75% trong năm 2019, đến năm 2020,100% người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch. 

Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, một trong số những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội của thành phố là công tác phát triển hạ tầng, kỹ thuật. Trong đó, hệ thống cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là nhiệm vụ quan trọng.

Phần lớn người dân đô thị hiện nay đều cho rằng, mở vòi nước trong nhà là có nước dùng, cho nên có thể bất ngờ, nếu bạn biết mình may mắn thuộc số 2/3 cư dân đô thị được dùng nước máy cá thể. Còn lại dân số đô thị Việt Nam đang dùng nước từ các vòi công cộng, phải mua nước từ xe téc, lấy nước giếng khoan, giếng đào và từ ao, hồ… Nghĩa là, dù công cuộc đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh (trên 34%), nhưng phương cách sinh hoạt (chất lượng sống) vẫn một nửa là nông thôn. Thậm chí, về môi trường sống tự nhiên, còn tệ hơn nông thôn cũ vì tầng nước mặt hiện nay (khai thác từ giếng khoan, giếng đào, ao hồ…) đã bị ô nhiễm nặng do rác thải, phân bón, thuốc trừ sâu…

Sự phồn vinh của đô thị, nếu nhiều người còn nghĩ vậy, chỉ là những hình ảnh rực rỡ trên các đường phố lớn - phần rộng hơn nhiều thuộc về nông thôn và sự nghèo nàn vẫn ngự trị ngay trong các trung tâm đô thị, đằng sau những tuyến phố lộng lẫy.

Điều đó cũng nói nên một điều rằng: Con đường để các đô thị Việt Nam hoàn thiện và thực sự ra khỏi hiện trạng “đô thị nông thôn hay đô thị bán nông thôn” còn không ít chông gai, trong đó, có cả tiền của, sự quyết tâm… và tài năng của những người cầm lái.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía sau sự sầm uất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO