Không phải những người về quê ấy tuyệt tình với nơi bao lâu đã cưu mang họ, lại càng không phải Chính phủ và địa phương không có kế hoạch sắp xếp cho họ một tương lai dẫu phải chấp nhận giai đoạn khó khăn để vực dậy một cách từ từ. Tuy nhiên, như con chim sợ cành cong, những người dân đã chọn trở về nương náu chốn quê nhà. Âu đó cũng là tâm lý chung bởi ai cũng có một quê hương trong đời, một gia đình, làng xóm trong tâm thức để khi đau đớn, lúc vấp ngã, buổi khó khăn thì gia đình và quê hương là chỗ dựa. Vậy nên, về quê là một nhu cầu chính đáng, vừa thực tế, vừa là những hối thúc tự nhiên.
Bởi đó là quyền lựa chọn của dân, vì vậy, Chính phủ đã kêu gọi người dân không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; đồng thời yêu cầu các địa phương phối hợp tổ chức đưa, đón; đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa |
Thực tế những ngày qua, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã gửi tâm thư và công khai phương án tổ chức đưa dân trở về địa phương. Các tỉnh, thành phố cũng cơ bản sẵn sàng đón dân về từ vùng dịch; nhiều chuyến tàu, chuyến xe đã khởi hành, nhiều công dân đã được trở về sau khi xét nghiệm, được trang bị các phương tiện phòng dịch, đảm bảo khẩu phần ăn trên đường và kinh phí cho những ngày đầu chưa có việc làm...
Tuy nhiên, để sắp xếp một cuộc trở về an toàn cho cả người địa phương và người về quả không đơn giản khi con số trở về lên tới hàng nghìn người. Trong số ấy có nhiều F0 chưa được phát hiện. Chỉ tính riêng mấy ngày vừa qua, sau xét nghiệm sàng lọc cho hơn 160.000 người đã phát hiện khoảng 200 ca dương tính với Covid-19, đó là chưa kể số chưa xét nghiệm và số xét nghiệm chưa có kết quả. Nếu cuộc trở về này xô bồ, không trật tự, sẽ khiến dịch bệnh có nguy cơ phát tán trên diện rộng.
Và nữa, một số địa phương hoàn toàn lúng túng trước việc phối hợp, bố trí đưa đón dân. Đã xảy ra việc đám đông khiến nhiều khu vực cửa ngõ ùn tắc nghiêm trọng, không những thế, một số người quá khích đã hành hung lực lượng chức năng. Sau khi rời chốt, nhiều người “vui quá” mà “quên” rằng mình vừa vứt lại điểm chốt và trên đường vô khối rác, khẩu trang đã qua sử dụng.
Nguyện vọng về quê là hoàn toàn chính đáng và việc tự ý tổ chức đi về có thể cảm thông, nhưng không thể cảm thông cho việc gây mất trật tự và xả rác vô ý thức. Chính phủ đã kêu gọi, địa phương đã lên tiếng. Các chặng đường về đã có cảnh sát dẫn đường, bộ đội, địa phương chuẩn bị thức ăn, nước uống. Nhưng trong số hàng nghìn sự biết ơn cũng đầy rẫy sự vô ơn, trả ơn nơi đã cưu mang mình bằng sự quầy quả dứt áo, phá đám, vứt rác bừa bãi và quăng lên mạng những lời khó nghe.
Xin các vị hãy nghe những lời nhắn của người dân địa phương nơi các vị đã đi qua: “Tôi hy vọng mọi người hãy ý thức một chút, đừng vì sự tùy tiện mà gây bất tiện cho người khác”; “Nhìn cảnh này mệt mỏi thực sự, cực mấy cô quét rác nữa rồi”; “Nhìn khẩu trang vứt lung tung mà hãi, khẩu trang của những người về từ vùng dịch đấy”; “Bảo vệ mình nhưng lại không bảo vệ người, thật nản”…
Xin nhớ cho, Nhà nước luôn tôn trọng quyền công dân và mong chờ sự hợp tác để sắp xếp những cuộc trở về an toàn nhất cho cả những người trở về và người đang ở tại địa phương. Hãy nán lại một chút chờ đến lượt mình. Hãy nhớ mình về từ vùng dịch, mình có thể là nguồn lây. Hãy dừng ngay việc xả rác, vứt khẩu trang trên đường về, và hãy nghĩ cho những người ở ngay chính quê mình. Ai bảo rằng họ không lo khi chứng kiến dòng người từ vùng dịch trở về trong lộn xộn???