Phế liệu xây dựng đổ tràn lan
Tình trạng ô nhiễm môi trường do công trình xây dựng không có bạt che chống bụi; chất thải xây dựng đổ tràn lan trên các tuyến đường… đang là vấn đề khiến người dân bức xúc.
Bắc Ninh là thành phố đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, nhu cầu xây mới, cải tạo nhà cửa của nhân dân cũng rất lớn nên phát sinh lượng phế thải vật liệu xây dựng đáng kể. Theo thống kê từ Phòng Quản lý đô thị thành phố, năm 2014, toàn thành phố phát sinh khoảng 3.000 m3 phế thải vật liệu xây dựng. Số lượng phế thải trên một phần được san lấp ở các công trình hoặc thùng, vũng của các hộ dân có nhu cầu. Tuy vậy, cũng không ít lượng phế thải xây dựng được mang đổ bừa bãi tại các khu đô thị, vỉa hè những tuyến đường chưa có người ở như: Ngô Tất Tố, Lý Anh Tông, Hòa Long - Kinh Bắc… gây mất mỹ quan đô thị. Việc xử lý, bắt giữ hành vi đổ trộm phế thải xây dựng ra nơi công cộng khó khăn, chưa có tính răn đe cao do hoạt động này thường diễn ra vào ban đêm, nơi vắng người qua lại… Hằng năm, thành phố phải dành một phần không nhỏ ngân sách để chỉnh trang, dọn dẹp các khu vực này.
Tại Thừa Thiên - Huế, lượng rác thải xây dựng đổ không đúng nơi quy định ở TP. Huế bình quân khoảng 100 tấn/tháng. Việc đổ rác thải chủ yếu phát sinh trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình. Nhằm góp phần tạo thuận lợi trong việc thu gom, vận chuyển rác thải xây dựng, những năm trước đây, UBND TP. Huế đã từng quy hoạch các điểm đổ rác thải xây dựng ở đoạn đường Tự Đức - Thủy Dương - Hồ Đắc Di (P. An Tây), đoạn cuối của (P. Hương Long), điểm ở đường Nguyễn Văn Linh (P. Hương Sơ)... Qua thời gian hoạt động, các bãi đổ rác thải xây dựng này đã được lấp đầy. Một số điểm mới quy hoạch người dân chưa nắm rõ, dẫn đến khi thi công công trình những vật liệu, đất đá phế thải... người dân tiện đâu đổ đó.
Ô nhiễm môi trường do phế liệu xây dựng đổ tràn lan. Ảnh: Hoàng Minh |
Nhiều chủ đầu tư còn tự ý tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè và một phần lòng đường mà không xin giấy phép. Nguy hiểm hơn, vật liệu tập kết không được che chắn cẩn thận, tràn xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước mưa của thành phố. Số liệu thống kê của Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 14/7/2017, trong tổng số 816 trường hợp được cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố, chỉ có 97 trường hợp đã được cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè với tổng diện tích là 1.311 m2.
Mặc dù, đã có những quy định về công trình thi công phải đảm bảo môi trường nhưng các chủ đầu tư xây dựng chưa tuân thủ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đạt yêu cầu.
Đình chỉ công trình gây ảnh hưởng môi trường
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong ngành xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư phải lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã đề xuất trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thi công công trình. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình của các nhà thầu.
Đáng lưu ý, chủ đầu tư phải đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường khu vực dự án và xung quanh hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Ngoài ra, chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh…
Theo dự thảo, nhà thầu thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình đối với phần việc mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng đối với các công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định đối với phần việc do mình thực hiện.
Nhà thầu tổ chức bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường hoặc kết hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường tại các công trường xây dựng đang hoạt động trên cả nước (xây dựng, sửa chữa nhà cửa, đường sá, vận chuyển nguyên vật liệu) sẽ gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
T. Linh