Phát triển nguồn nhân lực trẻ là một trong những nội dung trọng tâm
Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn tại chương trình đối thoại với đoàn viên, thanh niên Dầu khí trên cả nước về những động lực mới, những cơ hội mới của Tập đoàn để vươn tới những đỉnh cao.
Buổi đối thoại trực tuyến bắt đầu từ 14h00, được tổ chức tại 5 điểm cầu với điểm cầu chính tại Trụ sở Tập đoàn (Hà Nội) và các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh/ thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. Đồng thời, buổi đối thoại được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí PetroTimes và phát trực tuyến (livestream) trên các trang fanpage của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn.
Thực hiện Nghị định 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”, thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2024), được sự chấp thuận của Tổng Giám đốc Tập đoàn, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình Đối thoại trực tuyến giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn với đoàn viên, thanh niên Dầu khí trên cả nước với chủ đề “Quản trị biến động; Bổ sung động lực mới; Làm mới động lực cũ; Tạo nguồn năng lượng mới; Vươn tới những đỉnh cao”.
Tại buổi đối thoại, Tổng Giám đốc Tập đoàn thông tin đến cán bộ, ĐVTN quan điểm, mục tiêu về quản trị biến động, những động lực mới, những cơ hội mới từ những động lực cũ để hướng tới những thành công, những đỉnh cao mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Đồng thời đây là dịp những lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của cán bộ, đoàn viên thanh niên; đóng góp của tuổi trẻ đối với sự phát triển của Tập đoàn; khát vọng cống hiến cho Tập đoàn và những kỳ vọng của Tuổi trẻ Dầu khí đối với sự phát triển của Tập đoàn. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “ngôi nhà chung Petrovietnam” phát triển bền vững.
Mở đầu buổi đối thoại Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn đã “vượt qua thử thách” “phá băng” với một loạt câu hỏi thú vị từ các ĐVTN, đáng chú ý Tổng Giám đốc nhắn nhủ, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ những điều đúc kết từ cuốn sách mà mình yêu thích, đó là cuốn “7 thói quen hiệu quả” của tác giả Stephen R. Covey.
Cuốn sách giúp người đọc hiểu được thành công thực sự chính là biết rõ mình muốn điều gì và chủ động đưa ra các mục tiêu để thực hiện nó trong công việc cũng như cuộc sống, xây dựng các mối quan hệ tích cực, bền vững và duy trì lối sống cân bằng… Đó là: Làm chủ chính mình; Bắt đầu bằng đích đến; Ưu tiên điều quan trọng; Tư duy cùng thắng; Thấu hiểu rồi được hiểu; Hợp tác cộng sinh; Rèn mới bản thân. Bên cạnh đó, đạt hiệu quả tối ưu nhất khi biết cách hợp sức với mọi người xung quanh.
Câu hỏi từ đoàn viên Vietsovpetro tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu: Được biết, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ của Đại học Mỏ - Địa chất, anh đã làm việc 05 năm cho công ty Dầu khí hàng đầu Thế giới - Schlumberger. Lý do gì để anh quyết định rời bỏ công việc từ 01 công ty hàng đầu thế giới về làm việc cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khi đó còn khá khó khăn và đầy thử thách với các kỹ sư trẻ.
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn: Con đường đi tới ngành Dầu khí tôi đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau từ chức vụ Trưởng ban Khai thác Dầu khí Tập đoàn, Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phụ trách lĩnh vực E&P. Đến nay giữ cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã 30 năm học nghề và làm nghề. Tôi nghĩ đó là cái duyên để đến bây giờ có mặt trong buổi đối thoại ngày hôm nay cùng các bạn chia sẻ về chuyện nghề, về văn hoá của con người dầu khí Việt Nam.
Câu hỏi của đoàn viên PVCFC từ điểm cầu Tây Nam bộ: Trong giai đoạn hiện nay, quá trình chuyển dịch năng lượng (CDNL) trên thế giới và khu vực đang có xu hướng tăng tốc nhanh, Tổng Giám đốc có thể chia sẻ Tập đoàn có chiến lược gì để định hướng gì về vấn đề này?
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: CDNL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn trong bối cảnh CDNL đang diễn ra nhanh trên phạm vi toàn cầu. Từ mục tiêu quốc gia, theo cam kết của Việt Nam tại COP26, Petrovietnam cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong xây dựng lộ trình CDNL, cùng đồng hành thực hiện cam kết của Chính phủ. Với lộ trình chuyển đổi và từng bước hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Tập đoàn đã có Ban Điện và NLTT; Xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng xanh phù hợp với xu thế chung; Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới về năng lượng tái tạo, hydro xanh, carbon thấp; Hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ, huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về năng lượng tái tạo, công nghệ xanh... Các đơn vị PTSC, Vietsovpetro và các đơn vị liên quan đã xây dựng cơ sở hạ tầng về điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện sang Singapore.
Như vậy có thể thấy, Petrovietnam đang rất tích cực chủ động triển khai CDNL. Ngoài ra, với thế mạnh của mình, Tập đoàn cũng xin ý kiến Bộ Chính trị thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, quản lý các Hợp đồng dầu khí trên biển. Việc chuyển dịch giúp Tập đoàn có thêm động lực mới tiếp tục phát triển, làm mới các động lực cũ bằng chủ trương đẩy mạnh thăm dò khai thác, đưa các các dự án khí đi vào hoạt động, các dự án về Hyđro, amoniac xanh...
Đồng chí Trần Quang Tùng - Ủy viên BCH Đoàn PV GAS, Bí thư Chi đoàn Công ty Kinh doanh sản phẩm khí đặt câu hỏi tại điểm cầu Hà Nội: Xin Anh chia sẻ trong thời gian tới, Tập đoàn có chủ trương gì nhằm phát triển nguồn nhân lực trẻ?
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Phát triển nguồn nhân lực trẻ là một trong những nội dung trọng tâm của Tập đoàn, trong đó chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo trực tiếp, tại chỗ, từ xa… đồng thời nâng tầm về văn hoá, góp phần vào sự thành công của Tập đoàn. Chúng tôi đã có những chủ trương trong thời gian tới trong việc xây dựng chính sách tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ có tầm nhìn dài hạn, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu thực tế, xây dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp để thu hút và giữ chân nhân tài trẻ. Ngoài ra, Tập đoàn còn đầu tư vào đào tạo nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ nhân lực trẻ.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương - Phó Bí thư Đoàn BSR từ điểm cầu miền Trung: Với cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn, để thực hiện tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn và kế hoạch quản trị năm 2024 theo anh cần tập trung vào các nhóm động lực nào để phát triển?
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, chiến tranh, dịch bệnh, giá cả thay đổi (đặc biệt là giá dầu),… lãnh đạo Tập đoàn cũng đã tập trung tổ chức xây dựng các chiến lược để vuợt qua khó khăn trong giai đoạn này, trong đó mục đích hướng tới đó là thăm dò khai thác vẫn là vấn đề cốt lõi. Bên cạnh đó, rất cần thêm các động lực mới để kết nối các chuỗi giá trị của Petrovietnam từ khâu đầu tới trung nguồn, hạ nguồn bằng các giải pháp cụ thể. Tôi đề nghị triển khai đồng bộ 6 giải pháp có thể hoàn thành trong năm 2024, cụ thể như sau: Cần phát huy vai trò Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển Tập đoàn lớn mạnh; Tối ưu hóa hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong nước và ngoài nước, đảm bảo nguồn cung ổn định và hiệu quả; Đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, hydro xanh, nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng; Tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực lọc hóa dầu, hóa chất để nâng cao năng lực cạnh tranh; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực trẻ và nhân lực về công nghệ mới; Tăng cường quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và minh bạch thông tin.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan Ngọc - Bí thư Đoàn PQPOC đặt câu hỏi từ điểm cầu TP HCM: Điều mà anh cảm thấy tự hào nhất, khi nói về những đóng góp của ngành Dầu khí trong sự phát triển kinh tế đất nước?
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Điều tôi thấy tự hào nhất khi nói về những đóng góp của ngành Dầu khí trong sự phát triển kinh tế đất nước đó là “Tái tạo văn hoá, nâng tầm văn hoá với văn hoá dân tộc, tự hào về con người Dầu khí”. Đóng góp của ngành Dầu khí cho nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua thuế, phí và lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra, còn đóng góp vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan như hóa dầu, vận tải đường ống... ; Thúc đẩy phát triển công nghệ mới, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng… Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với phần trả lời các câu hỏi đến từ Tuổi trẻ Dầu khí, đối thoại với đoàn viên thanh niên, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cũng mong muốn nhận được những hiến kế của thanh niên giúp Tập đoàn nâng tầm văn hóa Petrovietnam.
Nêu ý kiến với vấn đề trên, đồng chí Lê Hoài Bắc - Ủy viên BCH Đoàn Tập đoàn, Bí thư Đoàn PV GAS cho biết: Phát huy tinh thần xung kích, ngay từ đầu nhiệm kỳ BCH Đoàn Thanh niên Tập đoàn đã xác định xây dựng văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu, gắn liền hoạt động Đoàn với hoạt động SXKD của Tập đoàn và đơn vị. Đồng hành với quá trình này, Đoàn Thanh niên PV GAS cũng đã triển khai xây dựng VHDN theo chương trình phát động của Đoàn Tập đoàn và thể hiện bằng nét đặc trưng riêng của PV GAS thông qua các cuộc thi, tọa đàm về VHDN. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên đã góp phần lan tỏa văn hóa Dầu khí bằng khát vọng, sức sống của tuổi trẻ. Trí tuệ tuổi trẻ PVGAS cũng thể hiện thông qua các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm,… tạo sân chơi thảo luận bổ ích cho thanh niên; tiên phong trên các công trình dự án, trong lao động sáng tạo, tiếp nhận, làm chủ các thành tựu khoa học kỹ thuật mới của ngành công nghiệp khí. Qua đó góp phần cụ thể hóa các chương trình, hành động nhằm xây dưng VHDN; khẳng định tính cần thiết phải xây dựng và thực hiện VHDN, bởi đó không chỉ là hành động của một cá nhân, đơn vị mà là hành động của cộng đồng doanh nghiệp.