Phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL

11/12/2016 00:00

(TN&MT) - Tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống củ người dân; đặc biệt là tác động đến chuỗi cung ứng gạo và thủy sản của vùng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016, 8 tỉnh ven biển ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Hậu Giang đã xuống giống hơn 971.200 ha (chiếm 62,2% diện tích lúa của toàn vùng), trong đó khoảng 339.234 ha có nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn (chiếm 35,51% diện tích xuống giống của vùng ven biển). Điển hình, tại tỉnh Kiên Giang, đã có hơn 34.000 ha lúa của tỉnh bị thiệt hại và con số đó sẽ còn tăng thêm nếu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũng do tác động của xâm nhập mặn, diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Hầu như toàn bộ vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đều bị tác động. Những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu thuộc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Một số địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm được đánh giá là bền vững như tôm - lúa, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến… cũng bị thiệt hại nặng.

Tình hình đó đã dẫn đến thực tế thiếu nguồn nguyên liệu tại nhiều nhà máy chế biến thủy sản trong vùng. Theo Bộ NN&PTNT, trong quý 1/2016, VN đã phải chi 228 triệu USD NK nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản XK. Trong đó, nguồn cung nguyên liệu thủy sản chủ yếu đến từ Ấn Độ (34,1%), Na Uy (8,1%), Đài Loan (6,8%), Nhật Bản (5,5%) và Hàn Quốc (5,1%).

Tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đã góp phần khiến ngành nông nghiệp VN tăng trưởng âm lần đầu tiên sau nhiều năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm, giảm 1,23%, trong đó, ngành nông nghiệp giảm mạnh nhất là 2,69%. Hoạt động XNK cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá XNK hàng hóa giảm mạnh 4,8% so với cùng kỳ.

Trước thực tế đó, các giải pháp để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế khó khăn, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác đã được Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết về lâu dài là làm sao để ĐBSCL phát triển bền vững trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt.

Bộ TN&MT đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” xác lập cơ sở khoa học để xây dựng mô hình kinh tế ứng phó với BĐKH. Đồng thời, xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình trình diễn phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn cho một huyện điển hình vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở tận dụng cơ hội, chuyển hóa các thách thức từ xâm nhập mặn để phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp sống chung với mặn, đặc biệt là tái cơ cấu ngành trồng lúa, chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững tại vùng nhiễm mặn, có cách nhìn tổng thể về toàn bộ hệ thống của vùng và tránh việc từng địa phương phát triển riêng mà không quan tâm mức độ ảnh hưởng đến vùng khác.

Thu Giang 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO