(TN&MT) - 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9.2.2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh Bình Định đã xây dựng được khu vực kinh tế biển phát triển toàn diện, gắn chặt với đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
Kinh tế biển phát triển toàn diện
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, tỉnh Bình Định đã cụ thể hóa bằng nhiều dự án, đề án để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, đảo và ven biển trên địa bàn, với những giải pháp phù hợp thực tế từng địa phương, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ vậy, tình hình KT-XH khu vực biển đảo của tỉnh Bình Định ngày càng phát triển, các hoạt động kinh tế biển, đảo được quan tâm chỉ đạo, đầu tư; đời sống người dân được cải thiện.
Theo đó, Bình Định đã tập trung phát triển ngành vận tải biển, xây dựng cảng biển và phát triển công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt, Cảng biển quốc tế Quy Nhơn (loại I) của tỉnh là cảng biển lớn nối tuyến Quốc lộ 19 với các tỉnh Tây Nguyên với tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng từ năm 2007 - 2017 đạt trên 91 triệu tấn.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khai thác và chế biến hải sản của tỉnh cũng đạt đươc nhiều kết quả khả quan. Trong đó, trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp chế biến thủy hải sản với tổng công suất hơn 12.000 tấn/năm, giải quyết gần 1.600 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng là một trong những tỉnh có đội tàu cá nhiều nhất nhì cả nước với trên 6.300 tàu với tổng công suất gần 1,9 triệu CV. Ngoài ra, với lợi thế về biển và di tích lịch sử, du lịch biển của tỉnh trong những năm qua cũng đã có bước phát triển nổi bật. Tính từ năm 2011 đến hết quý I năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Bình Định ước đạt gần 16,9 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 1,25 triệu lượt) với tổng doanh thu ước đạt gần 7.500 tỷ đồng.
Điểm nổi bật quan trọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tại tỉnh Bình Định đó là huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH vùng biển, đảo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đời sống nhân dân được cải thiện. “Tỉnh đã xác định định hướng chiến lược các vùng biển tỉnh ta đó là “Du lịch văn hóa lịch sử là nền tảng, du lịch biển là trọng tâm nhằm phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đến năm 2020””, Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết.
Gắn với quốc phòng - an ninh
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua, thế trận quốc phòng trên biển, đảo của tỉnh Bình Định đã được tăng cường. Đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy Trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, cho biết: “Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh biển cho người dân trong tỉnh được các đơn vị đẩy mạnh, đặc biệt là triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về lãnh hải và chủ quyền biển đảo, nhất là không xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Đồng thời, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo; tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương vùng biển, đảo trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc”.
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước về biển, đảo đã được ban hành và hướng dẫn thực hiện khá cụ thể. UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực biển, đảo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long: “Chúng ta có chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể những vẫn có những điểm yếu trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Đơn cử như một số chính sách không đồng bộ, ban hành rất nhiều nhưng không có nguồn lực để đảm bảo. Nên Trung ương cần có đánh giá cụ thể tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung, chương trình thế mạnh của địa phương để phát huy được nội lực, tránh việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Lê Hoài Trung nhìn nhận rằng: “Bình Định có đường bờ biển dài 134km, có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Nhưng trong quá trình khai thác lợi thế và tiềm năng đó, Bình Định cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, là xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các tầng lớp dân cư vùng biển, đảo với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là Bộ đội biên phòng, nhằm giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc”.