Kinh tế

Phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh kinh tế số tại Việt Nam

Hoài Thu 14/06/2024 - 19:54

(TN&MT) - Ngày 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

anh-chup-man-hinh-2024-06-14-luc-12.50.58.png
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng; GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); đại diện Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Quốc hội cùng các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp đến hoạt động báo chí truyền thông.

anh-chup-man-hinh-2024-06-14-luc-12.51.25.png
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng trường trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng trường trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, trong bối cảnh toàn cầu về chuyển đổi số, sự cạnh tranh của các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút công chúng đang diễn ra ngày một “khốc liệt”. Sự xuất hiện và lan truyền của các nền tảng số thời gian này đã thách thức những mô hình kinh doanh truyền thống từng đem lại thành công cho các cơ quan báo chí.

Trong năm 2023, doanh thu của các cơ quan báo chí giảm hơn 9% so với năm 2022. Đối với báo mạng điện tử cũng đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng, nhưng 70% doanh thu quảng cáo số vẫn “chảy” vào các nền tảng công nghệ số xuyên quốc gia, xuyê biến giới như Tiktok, Facebook,.... Hiện tại, ngân sách Nhà nước cấp cho các cơ quan báo chí đang ngày bị thu hẹp, điều này khiến vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh số càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Do đó, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương mong muốn Hội thảo ngày hôm nay sẽ là dịp để các chuyên gia, các nhà hoạch định, nghiên cứu chính sách có thể cùng thảo luận, trao đổi và đưa ra các phương án nhằm phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh kinh tế số hiện nay.

anh-chup-man-hinh-2024-06-14-luc-12.49.23.png
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân trình bày tham luận

Trong phiên thảo luận chuyên đề “Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số”, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã trình bày tham luận về một số kinh nghiệm thực hiện kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí trên thế giới đang hướng tới. Trong đó, có thể kể đến việc các cơ quan báo chí nước ngoài đã áp dụng hình thức đăng ký những tạp san, tuần báo dài hạn với độc giả như tờ Economist trong năm 2016, đã đạt lợi nhuận tốt nhất với 1,2 triệu người đăng ký dài hạn (chiếm hơn 60%) tổng doanh thu.

Hoặc đối với việc sản xuất nội dung cho các doanh nghiệp hay tổ chức, các cơ quan báo chí – truyền thông cũng có thể áp dụng kinh nghiệm thực hiện các sản phẩm báo chí, để sản xuất bất cứ nội dung truyền thông nào cho doanh nghiệp và thu về kinh tế cho cơ quan thông qua hoạt động này. Có thể kể đến T- Brand của The New York Times đã sản xuất chương trình và nội dung quan trọng cho các khách hàng chính như thương hiệu Cartier, Google, American Express và hãng Verizon…

Ngoài ra, ông Lê Quốc Minh cũng nêu lên những phương án phát triển kinh tế báo chí đã được Báo Nhân dân thực hiện áp dụng từ kinh nghiệm nước ngoài, có việc áp dụng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để giới thiệu hệ thống vận hành báo chí (cms, xây dựng trang báo điện tử chính thống,…) cho một tờ báo tại nước bạn Lào; hoặc việc tổ chức sự kiện sẽ giúp mang lại doanh thu cho báo chí, thông qua các buổi talk show, các buổi hòa nhạc, lễ hội,.. nhằm truyền tải những thông tin hữu ích đến độc giả hay chính độc giả được tham gia vào sự kiện này để tìm hiểu những thông tin hay việc bán lẻ sản phẩm báo chí liên quan đến truyền thống, chuyên ngành của tờ báo đó.

Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Nhìn chung không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng phân khúc hay chuyên ngành của cơ quan báo chí đó để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp thì sẽ rất hiệu quả”.

anh-chup-man-hinh-2024-06-14-luc-12.48.48.png
PGS.TS Bùi Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo

Về bức tranh toàn cảnh và những nút thắt của nền kinh tế báo chí Việt Nam, PGS.TS Bùi Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông khẳng định, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay.

Do đó, để giải quyết bài toán kinh tế cho báo chí – truyền thông hiện nay, cần phải gắn với sắp xếp hệ thống báo chí toàn quốc; bên cạnh đó, ông nêu lên việc, các cơ quan báo chí cần phải trả lời được những câu hỏi cấp thiết hướng đến xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí – truyền thông và thể chế quản lý như việc: Có nhất thiết phải duy trì một hệ thống dàn hàng ngang theo từng địa phương hành chính, theo từng ngành nghề lĩnh vực? Quy hoạch về số lượng hay về bản chất có cần quy hoạch nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động báo chí truyền thông? Những đơn vị thụ hưởng ngân sách phải đạt được mục tiêu gì, chỉ số nào khi nhận ngân sách từ thuế?...

anh-chup-man-hinh-2024-06-14-luc-12.49.50.png
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, các cơ quan báo chí hiện nay đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ trong bối cảnh nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu báo chí chính thống. Ngoài ra, hiện nay, các cơ quan báo chí cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ những tham luận trong Hội thảo, nền báo chí tại Việt Nam đã và đang thực hiện việc thu phí nội dung trên báo chí điện tử gồm báo Vietnamplus, Vietnamnet, báo Người lao động, báo Tuổi trẻ,… tuy nhiên, các cơ quan này mới chỉ dừng ở việc thử nghiệm các chuyên mục đầu tư hơn về chất lượng và nội dung, điều này mới được coi là bước khởi đầu vì chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho các cơ quan báo chí.

Do đó, để thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí, với việc lập Danh sách Trắng, cùng thông điệp làm nội dung sạch sẽ thực hiện quảng cáo và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung tốt.

Việc triển khai đã có những kết quả bước đầu, các cơ quan báo chí cũng dần đi vào thực hiện tối ưu hoá nguồn thu, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế báo chí đa dạng, song vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình kinh tế báo chí để đảm bảo phát huy tính hiệu quả.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh kinh tế số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO