Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên Huế

Văn Dinh| 26/09/2020 22:50

(TN&MT) - Diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế năm 2020 là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020; công bố đề án “Cố đô Khởi nghiệp”.

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đã bước đầu hình thành và phát triển, các cơ quan, tổ chức đã quan tâm hưởng ứng, phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Diễn đàn là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Đồng thời, thảo luận, trao đổi các nội dung, giải pháp liên quan đến hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn....”- ông Thắng nói.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020

Tại diễn đàn lần này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố đề án “Cố đô Khởi nghiệp”, nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; góp phần hình thành và phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Huế. Diễn đàn cũng đã được nghe nhiều chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia, doanh nghiệp với nhiều nội dung hữu ích.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ biểu dương những nỗ lực của ngành khoa học công nghệ, Đại học Huế, Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Huế, các tổ chức tư vấn khởi nghiệp, các StarUp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp để vun đắp thêm những thành công bước đầu của hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra 5 hạn chế ảnh đang hưởng đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đó là: Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố mang lại nhờ vào đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất trong đó có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh còn thấp; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chung chung, điều kiện cao, thủ tục nhiều nên các đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất khó tiếp cận; Sự quan tâm, hưởng ứng tham gia hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; Chưa thương mại hóa hiệu quả các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu; Công tác tổ chức quản lý, vận hành bộ máy để xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập.

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Huế đang phát triển trong thời gian qua

Định hướng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trong thời gian tới, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện tốt Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ và tiềm lực của địa phương để khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở xác định chiến lược phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Đề án “Cố đô khởi nghiệp” sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và hoạt động, hướng vào những hỗ trợ thiết thực nhất cho các ý tưởng và dự án khởi nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó vai trò của các thành phần hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rất quan trọng và quyết định sự thành công của chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Các cấp các ngành cần thay đổi tư duy, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sát với thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của tỉnh. Tạo lập môi trường thuận lợi, từng bước nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp không phải là một việc của riêng một cá nhân, một đơn vị, mà đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan, đó là các đơn vị làm chính sách, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các đơn vị cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các chuyên gia cố vấn trong từng lĩnh vực, các đơn vị ươm tạo, các nhà đầu tư.  Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các địa phương, tinh thần kết nối của các bên có liên quan là điều cốt lõi để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp...”- ông Thọ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO