Phát triển du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn: Người dân “đổi đời”

Mai Đan| 06/10/2022 09:28

(TN&MT) - Công viên địa chất là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sau khi được công nhận Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC), các công viên góp phần làm tăng doanh thu du lịch cho địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đổi thay trên Cao nguyên đá

Là tỉnh đầu tiên có CVĐCTC ở Việt Nam, tỉnh Hà Giang đã nhận được nhiều hỗ trợ đặc biệt của các bộ, ngành Trung ương cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân giúp nâng cao cuộc sống cho đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá.

11-1-.jpg

Xuân về trên Cao nguyên đá (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn)

Theo Ban Quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, với sự phát triển của du lịch, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Nông, thủy sản, các loại rau, hoa quả, thịt trâu bò... có sự tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt, có sự tăng cường kết nối nông sản của cư dân địa phương với các thị trường khác qua thông tin của du khách và sự tham gia của các doanh nghiệp, từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, nhờ có CVĐCTC, du lịch ở Cao nguyên đá đã phát triển nhanh chóng. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là việc xã hội hóa đầu tư đã tạo nên những điểm nhấn, như: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Dinh thự Nhà Vương hay những điểm di sản địa chất của Cao nguyên đá, những mùa Tam giác mạch bạt ngàn… đã góp phần mang đến những đổi thay về tư duy cũng như sinh kế của người dân nơi đây. Không ít chàng trai, cô gái Mông, Dao, Lô Lô đã tự tin trở thành hướng dẫn viên du lịch, dẫn đoàn cho du khách trong và ngoài nước. Phong trào phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh đã tạo “đòn bẩy” cho nhiều hộ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo; nhiều sản phẩm của người dân nơi đây đã được xuất đi các nước trên thế giới, như: vải lanh, sản phẩm thêu, may, thịt bò Vàng, mật ong bạc hà và dược liệu...

11-2-.jpg

Theo số liệu thống kê của huyện Quản Bạ, thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch homestay đạt khoảng 50 triệu - 100 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

Cao nguyên đá Đồng Văn hiện đã trở thành một trong những điểm du lịch “hút” khách với nhiều lượt du khách trong nước cũng như du khách đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới. Hàng trăm homestay, khách sạn, nhà nghỉ, làng văn hóa du lịch cộng đồng được xây dựng trên Cao nguyên đá từ 2010 đến nay; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đầu tư hoặc khảo sát để đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ nơi đây, từ đó, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương vùng Cao nguyên đá, vùng đất khắc nghiệt này đang từng bước đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm tích cực qua các năm, đến năm 2019 ở mức bình quân 34%; hàng ngàn ngôi nhà tạm được “xóa” trong khoảng 10 năm qua, từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng; 4 huyện trong vùng đều có từ 1 - 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; giao thương được đẩy mạnh không chỉ nội địa mà còn cả biên mậu với nhiều cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới 4 huyện. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cao nguyên đá.

Làm giàu từ kinh doanh homestay

Quản Bạ là huyện cửa ngõ vùng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện và quyết tâm của toàn Đảng bộ huyện, việc xây dựng điểm đến du lịch như: Động Lùng Khúy, Đền Bình An và cơ sở hạ tầng du lịch đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tính đến năm 2021, đã có 2 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 9 nhà nghỉ, 31 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, trên 100 nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống. Trong đó, 2 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận đạt cấp tỉnh: Động Lùng Khúy xã Quản Bạ và Khu nghỉ dưỡng cao cấp HMông Village xã Cán Tỷ. Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ được Tổng thư ký và Bộ trưởng Du lịch các nước Đông Nam Á chứng nhận đạt tiêu chuẩn Homestay ASEAN. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, khôi phục được nhiều lễ hội, nghề thủ công truyền thống. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo sinh kế cho người dân. Việc phát triển sản phẩm du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh được quan tâm, vì vậy lượng khách du lịch đến với huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay đã đạt trên 90 nghìn lượt khách, tăng 1,5 lần so với năm 2015.

11-3-.jpg

Anh Sình Dỉ Gai (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với khách du lịch về bản Lô Lô Chải

Huyện Quản Bạ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch có tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp của dịch vụ, du lịch, thương mại cho nền kinh tế của huyện đạt từ 30% trở lên; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư tương đối đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên, có tính chuyên nghiệp và tính cạnh tranh cao. Trong đó, tập trung xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y. Đến năm 2025, số homestay đạt TCVN 7800:2017 tăng gấp 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ; phấn đấu đón trên 500.000 lượt khách đến với huyện; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 300 tỷ đồng.

Là người tiên phong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ làm nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay, anh Sình Dỉ Gai ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã phát triển các dịch vụ du lịch như ăn uống, khám phá nét đẹp văn hóa của người Lô Lô…, nhờ đó, thu nhập của gia đình anh đã tăng dần mỗi năm.

Anh cũng chia sẻ, từ khi làm du lịch, kinh doanh homestay, đời sống người dân ở bản Lô Lô Chải đã thay đổi, nhận thức được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh, nhà cửa khang trang và xe máy đi lại.

Năm 2022, anh Sình Dỉ Gai vinh dự là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững nói riêng và công cuộc xây dựng Nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn: Người dân “đổi đời”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO