Phát triển bền vững: Đừng để 3R chết yểu

07/06/2016 00:00

(TN&MT) - Dự án phân loại rác tại nguồn 3R do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về vốn được thực hiện từ năm 2006. Sau 10 năm triển khai, đến nay, mô hình này đã không đạt được kết quả như  mong đợi. 

Lợi ích lớn từ 3R

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế phát triển các bon thấp đã, đang và sẽ trở thành định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam. Một trong những công cụ để đạt được tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh là quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên thông qua các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R). Chính vì thế, nhiều năm qua, một số nước trên thế giới, trong đó, có Việt Nam đã và đang tích cực triển khai mô hình 3R.

Khi thực hiện mô hình 3R sẽ mang lại một số lợi ích cơ bản như: Nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp về vấn đề rác và xử lý rác; Ngăn ngừa các vấn đề suy thoái môi trường: giảm ô nhiễm môi trường không khí và nước ngầm; Tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chi phí khai thác nguyên liệu; Tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải, giảm lượng rác thải hàng ngày; Giảm quỹ đất giành cho việc chôn lấp rác.

Để giúp Việt Nam thực hiện mô hình 3R một cách bài bản, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 45,9 tỷ đồng “Thực hiện sáng kiến 3R tại Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững''. Dự án mang tính chất thí điểm này sẽ diễn ra trong 3 năm (2006 - 2009), để rồi từ đó, việc phân loại rác hữu cơ tại nguồn sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác.

Sau 10 năm triển khai, dự án phân loại rác tại nguồn 3R không đạt được kết quả mong đợi
Sau 10 năm triển khai, dự án phân loại rác tại nguồn 3R không đạt được kết quả mong đợi

Theo đánh giá của người dân cũng như các chuyên gia về môi trường, sau 3 năm tham gia dự án, lợi ích của việc áp dụng mô hình 3R đã thấy rõ, hiện tượng vứt rác bừa bãi giảm tối đa. Độ chính xác trong phân loại rác là 80 -90%. Dự án triển khai hoạt động đã sớm gắn kết được các bên liên quan: đơn vị thu gom - người dân - thải rác - nhà máy xử lý rác - nông dân sử dụng phân bón chế biến từ rác. Bên cạnh đó, mô hình xử lý rác thải công nghiệp 3R tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh, thành phố cũng ra đời. Điển hình như Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Sản xuất Đại Thắng (TP. Hải Phòng) đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy tái chế, xử lý rác thải công nghiệp trên diện tích 18 nghìn m2 với trang, thiết bị hiện đại…

Chết yểu do đâu?

Kỳ vọng 3R sẽ được nhân rộng đã không thành hiện thực, sau khi dự án kết thúc, mô hình này đã đi vào quên lãng. Giờ đây, khi quay lại hỏi người dân tại các quận được thí điểm triển khia dự án này ở phường Phan Chu Trinh, phường Thành Công… có ai làm theo 3R nữa không, đều nhận được câu trả lời là không. “Từ khi dự án kết thúc, người dân cũng lại trở về với nếp cũ, cứ thu gom rác vào hết một túi rồi bỏ vào thùng cho xe rác chở đi. Nếu khi dự án còn hoạt động, hiệu quả là 10 phần, đến bây giờ, chỉ được 1 phần” - Bà Lê Thị Thủy , phường Phan Chu Trinh cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc dự án như 3R không thành công là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến việc phân loại chất thải trở nên nửa vời. Mặc dù, một số địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện những dự án 3R, song nhìn chung, mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ, thiếu định hướng. Còn lại, các hộ gia đình trong cả nước chưa được trang bị thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. Số lượng doanh nghiệp tham gia áp dụng sản xuất sinh học không nhiều. Ngoài ra, do thiếu kinh phí để thực hiện, không sát sao đôn đốc nhắc nhở trong khi, thói quen từ lâu của người dân chưa được thay đổi, nên  mô hình này bị chết yểu.

Thời gian tới, để ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên;  đạt mục tiêu chiến lược quốc gia đề ra đến năm 2020, 95% chất thải rắn được thu gom và 60% được tái sử dụng và tái chế… cần đẩy mạnh việc thực hiện mô hình 3R, phải xác định là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo các chuyên gia, để thực hiện 3R phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, phải ban hành cơ chế, chính sách, chế tài buộc mọi đối tượng phải phân loại rác thải, từ đó, thu gom tái chế theo hướng phù hợp, giảm thiểu việc chôn lấp. Đây là hướng mà Việt Nam đang triển khai, điều này cũng được thể hiện trong Chiến lược bảo vệ môi trường nhấn mạnh theo hướng này, quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào ở từng Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý môi trường. Các cơ quan phải vào cuộc tổng thể để chúng ta giảm thiểu được chất thải.

 Ngoài việc tăng cường hiểu biết, nhận thức của người dân chúng ta cũng cần phải thực hiện xây dựng ban hành kế hoạch tổng thể quản lý chất thải, trong đó, cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về 3R, kiểm soát chặt việc nhập khẩu phế liệu, đẩy mạnh hoạt động tái chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ.

Sự thành công của môi trường 3R đòi hỏi sự cộng tác giữa những thành phần, đối tượng tham gia vô cùng đa dạng, từ công đoạn thiết kế sản phẩm cho tới giai đoạn tái chế/thải loại, do vậy, việc chia sẻ thông tin là yếu tố sống còn để hình thành sự hiểu biết tin cậy và hợp tác giữa những người tham gia.

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững: Đừng để 3R chết yểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO