Kinh tế

Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là sự mong mỏi của nông dân

Theo VOV.VN 27/08/2024 - 12:06

Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, đến nay, Đề án đã được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại các tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.


Với mục đích thúc đẩy và triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” cuối giờ chiều 26/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi gặp gỡ với các Trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án.

“Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, đến nay, Đề án đã được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại các tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Hiệu quả mô hình 50 ha lúa triển khai ở Hợp tác xã Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho thấy, nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg xuống còn 60 kg/ha, giảm lần bón phân từ 3 đến 4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch...

phat trien 1 trieu ha lua chat luong cao, phat thai thap la su mong moi cua nong dan hinh anh 1
Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là sự mong mỏi của nông dân

Ngoài ra, lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200 đồng đến 300 đồng/kg so với canh tác truyền thống. Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3 tấn đến 6,5 tấn/ha so với 5,8 tấn đến 6,1 tấn mỗi ha theo cách làm truyền thống...

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mục tiêu kép của đề án giúp người nông dân sản xuất Xanh, giảm lượng khí phát thải nhà kính. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm một nguồn thu nữa từ bán tín chỉ các-bon. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giúp lúa gạo của Việt Nam có được lợi thế khi xuất khẩu, qua đó nâng tầm ngành hàng lúa gạo của Việt Nam, đặc biệt thu hút các lao động trẻ trở về sản xuất ngay trên chính đồng đất quê hương mình.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Đề án đòi hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố tham gia Đề án, các hợp tác xã và nông dân phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Bởi, nông dân vẫn quen với tập quán sản xuất truyền thống, đây là rào cản lớn mà nông dân cần thay đổi.

phat trien 1 trieu ha lua chat luong cao, phat thai thap la su mong moi cua nong dan hinh anh 2
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Theo bà Nga: "Để có được 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là niềm mong mỏi của nông dân, nếu thực hiện được thì đời sống của người nông dân sẽ được nâng lên, cải thiện rất lớn về môi trường. Với những tính toán kỹ lưỡng, để đạt được kết quả đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Trong đó, điều rất quan trọng là không chỉ thay đổi nhận thức của người lãnh đạo mà nhận thức của nông dân cũng cần phải thay đổi".

Băn khoăn về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chưa đề cập đến vấn đề việc quy hoạch và phát triển hạ tầng về thủy lợi, giao thông, kho bãi... chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, ông Thạch Phước Bình đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ rõ thêm về cơ chế phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương tham gia Đề án.

"Ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, vai trò của 12 tỉnh tham gia Đề án như thế nào, Qua thực tế theo dõi, có những nơi chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phối hợp tốt nhưng cũng có những nơi chưa thật sự quan tâm. Từ nay đến năm 2030 còn 6 năm, nếu không có phối hợp tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu của Đề án" - ông Bình chia sẻ.

Chia sẻ và giải đáp những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đưa "thương lái" vào hệ thống ngành hàng lúa gạo.

phat trien 1 trieu ha lua chat luong cao, phat thai thap la su mong moi cua nong dan hinh anh 3
Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đại biểu Quốc hội những địa phương tham gia Đề án tiếp tục lan tỏa, truyền tải tinh thần của Đề án tới người dân. Ngành hàng lúa gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của các bên gồm: nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo các địa phương, phải coi đây là một cuộc "cách mạng" thì Đề án mới thành công.

"Nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt và xem đó là một cuộc cách mạng thì không thành công. Bộ Nông nghiệp không thể nào với tới từng cánh đồng, từng xã, từng nông dân. Thuyết phục người nông dân thay đổi tư duy không phải khó nhưng cũng không phải dễ vấn đề là cái tâm chúng ta trong buổi tiếp xúc cử tri, xuống nông thôn mỗi đại biểu truyền tải ý nghĩa của Đề án đến người dân, thuyết phục nông dân cùng làm với mình. Mong rằng các đại biểu Quốc hội chia sẻ với cử tri, bà con nông dân và là người thăm dò sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể và sự tham gia người nông dân vào Đề án như thế nào" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là sự mong mỏi của nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO