(TN&MT) – Mới đây, Guardian cho biết gia súc lớn hơn với số lượng lớn hơn ở nhiều vùng đã dẫn tới khí mê tan trong không khí tăng nhanh hơn dự đoán do "dữ liệu cũ".
Phát thải khí nhà kính mê tan từ gia súc cao hơn so với số liệu trước đây, tạo ra một thách thức nữa trong cuộc chiến nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.
Các tính toán sửa đổi về lượng khí mê tan được sản xuất ra từ gia súc cho thấy lượng phát thải vật nuôi toàn cầu trong năm 2011 cao hơn 11% so với ước tính dựa trên dữ liệu từ Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.
Biến đổi khí hậu là một hiện tượng có tác động tàn phá mạnh mẽ tới thời tiết toàn cầu. Các báo cáo định kỳ của IPCC được thực hiện bởi hàng ngàn nhà khoa học giúp các nhà lãnh đạo đưa ra những hành động thiết thực đối với biến đổi khí hậu.
Nhà nghiên cứu Julie Wolf của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và là tác giả chính của bản nghiên cứu trên tạp chí Carbon Balance and Management cho biết: “Trong nhiều khu vực, số lượng gia súc đang thay đổi, và kết quả của chăn nuôi là tạo ra động vật lớn hơn, cùng lượng thức ăn tăng lên. Điều này cùng với thay đổi trong quản lý gia súc có thể dẫn tới lượng phát thải khí mê tan cao hơn”.
Theo bà Wolf, ước tính trước đó dựa trên "dữ liệu đã cũ". Các nghiên cứu trước đó cho thấy sau khi tăng chậm từ năm 2000 - 2006, nồng độ khí mê tan trong không khí đã tăng gấp 10 lần trong thập niên vừa qua.
Lượng khí mê tan phát thải theo 2 nguồn. Nguồn thứ nhất từ nguồn tự nhiên như than bùn, đầm lần và mối, nguồn thứ 2 là từ hoạt động của con người và chiếm tỉ trọng tới 2/3 trong tổng phát thải thông qua quá trình sản xuất và vận chuyển than, dầu và khí tự nhiên. Khí mê-tan phát ra từ động vật nhai lại như bò, cừu thông qua sự ợ hơi của chúng và quá trình phân hủy chất thải hữu cơ, đặc biệt là ở các bãi chôn lấp.
Theo IPCC, khí mê tan chiếm khoảng 16% phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2015.
Sự gia tăng nhanh chóng từ ô nhiễm khí mê tan có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở dưới mức 2 độ C. Hình ảnh: Graham Turner/Guardian |
Từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, sinh ra khí C02 chiếm tới 3/4 khí thải trên toàn cầu.
Giáo sư Dave Reay thuộc trường Đại học Edinburg, Vương Quốc Anh cho biết: “Chế độ ăn uống của con người ngày càng giàu thịt và sữa hơn dẫn đến “chi phí cho khí hậu” ẩn trong thực phẩm có xu hướng tăng”.
Giáo sư Piers Forster thuộc Đại học Leeds, Anh Quốc, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết nghiên cứu mới này cho thấy ước tính lượng phát thải mê tan từ tất cả các nguồn tăng lên khoảng 4%.
Khí mê tan thu hút bức xạ của mặt trời và hiệu ứng phát thải nhà kính cao hơn nhiều so với khí cacbonic. Vì thế, trong khoảng 100 năm, “tiềm năng nóng lên của toàn cầu” bởi khí này lớn gấp 28 lần so với khí CO2.
Theo nghiên cứu, phát thải khí mê tan từ gia súc đã tăng mạnh nhất ở các khu vực đang phát triển nhanh chóng của Châu Á, Mỹ Latinh và Châu Phi. Ngược lại, mức tăng này giảm mạnh ở Mỹ và Canada. Ở châu Âu, mức khí thải này cũng giảm.
Hồi tháng 12/2016, hiệp hội gồm 81 nhà khoa học cảnh báo sự gia tăng ô nhiễm khí mê tan có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu đã được thông qua trong thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.
"Mục tiêu này sẽ trở nên ngày càng khó khăn nếu giảm phát thải khí mê tan không mạnh mẽ và nhanh chóng", hiệp hội này nhấn mạnh.
Mai Đan
Tổng hợp từ Guardian