Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và công an các địa phương đã kiểm tra gần 2.000 đơn vị/cơ sở, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá. Cùng đó, các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành đã tổ chức gần 400 đợt giám sát tại gần 3.500 đơn vị. Tổng số tiền phạt là 563,9 triệu đồng.
Theo đại diện Bộ Công an, từ năm 2019-2021, các bộ phận chức năng thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) đẩy mạnh ra quân kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong 2 năm qua, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Công an phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính về Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nhiều địa phương với số tiền hơn 550 triệu đồng. Ngoài ra, bắt và xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, tàng trữ thuốc lá, với số tiền phạt lên tới hàng chục tỉ đồng.
Đại diện Bộ Công an cho rằng trong quá trình đi kiểm tra xử phạt tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Khách sạn, nhà hàng là địa điểm có tỉ lệ vi phạm cao và tỉ lệ hút thuốc lá thụ động cao nhất so với các địa điểm quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (80%). Các vi phạm phổ biến là hút thuốc tại các khu trong nhà của nhà hàng, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá...
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết tới đây các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, theo dõi việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc ở các điểm cấm, cho phép sử dụng hoặc công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm; xử phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo quy định, tại một số điểm cấm hút thuốc lá, người hút thuốc sẽ bị phạt tới 500.000 đồng, còn đơn vị kinh doanh sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng nếu không có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Hiện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về việc thực thi môi trường không khói thuốc, thí điểm tại quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội). Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng y tế UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, đến nay, sau 6 tháng thực hiện, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận và xử lý gần 70 trường hợp phản ánh người hút thuốc lá tại các điểm cấm qua hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, việc xử lý thông qua phần mềm còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, công tác Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn như tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta dù có giảm nhưng vẫn còn rất cao; các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng); thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người dân người dân còn chưa cao... Vì vậy, bác sỹ đề xuất đưa sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào danh mục cấm như thuốc lá thông thường.