Phát huy vai trò Văn phòng Đăng ký đất đai - tiếng nói từ cơ sở

Trường Giang - Phạm Hoài - Nguyễn Quỳnh - Tuyết Trang - Thanh Ng| 23/02/2023 12:28

(TN&MT) - Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở TN&MT do UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở TN&MT và các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng TN&MT hiện có ở địa phương...

Thực tế chứng minh, việc thành lập VPĐKĐĐ đã thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Vai trò của hệ thống VPĐKĐĐ đang ngày càng phát huy hiệu quả. Báo TN&MT trân trọng trích đăng một số ý kiến từ đại diện các địa phương, cơ quan quản lý, thực thi để sáng tỏ hơn nội dung này:

Ông Phạm Ngô Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Thông tin dữ liệu đất đai (Bộ TN&MT):

Nhiều hiệu quả từ hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai

Đến nay, cả nước đã có 60/63 tỉnh đã kiện toàn hệ thống VPĐKĐĐ các cấp tỉnh, huyện để thành lập VPĐKĐĐ trực thuộc Sở TN&MT.

Thực tế chứng minh, việc thành lập hệ thống VPĐKĐĐ một cấp ở các tỉnh, thành phố đã thể hiện nhiều điểm tích cực nổi trội so với hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hai cấp như: VPĐKĐĐ đã chủ động điều phối nguồn nhân lực trong hệ thống, bảo đảm nhân lực phù hợp với khối lượng công việc cần giải quyết của từng địa bàn, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ như trước. (Ví dụ: Việc điều động lực lượng cán bộ hỗ trợ cho các địa bàn phát sinh quá tải số lượng hồ sơ người dân có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính trong thời gian ngắn tại Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng...);.

ong-hieu.jpg
Ông Phạm Ngô Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Thông tin dữ liệu đất đai (Bộ TN&MT)

VPĐKĐĐ đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác đăng ký đất đai; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính.

Thời gian thực hiện nhiều thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ đã giảm mạnh (từ 5 - 25 ngày so với trước đây); số lượng hồ sơ giao dịch về đất đai bị trễ hạn cơ bản đã được chấm dứt (90% - 95% số hồ sơ được giải quyết đúng thời gian quy định).

Để khắc phục một số tồn tại, nâng cao hiệu quả hệ thống VPĐKĐĐ, các địa phương cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định về thủ tục hành chính. Đối với các địa phương chưa ban hành quy chế phối hợp, cần chỉ đạo khẩn trương ban hành quy chế phối hợp giữa Văn phòng với các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính. UBND các tỉnh cần tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ đất đai và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông gắn với chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Bà Bùi Thị Bích Tuyền - Giám đốc VPĐKĐĐ TP.HCM:

Nhiều giải pháp giải quyết hồ sơ đất đai đúng hẹn

Năm 2022, hệ thống VPĐKĐĐ TP.HCM đã nỗ lực thực hiện thí điểm giải pháp chuyển đổi mô hình, cấu trúc cơ sở dữ liệu từ phân tán sang tập trung thống nhất (từ phần mềm ViLiS (cũ) sang VBDLIS (mới). Tính đến hết năm 2022, số lượng Giấy chứng nhận đã cấp và cập nhật trên cơ sở dữ liệu là 2.104.042 thửa. Đặc biệt, năm 2022, hệ thống VPĐKĐĐ đã đăng ký biến động nhà, đất hơn 471.176 hồ sơ.

ba-bui-thi-bich-tuyen-hcm(1).jpg
Bà Bùi Thị Bích Tuyền - Giám đốc VPĐKĐĐ TP.HCM

Năm 2022, toàn thể Hệ thống VPĐKĐĐ TP.HCM có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Theo đó, có 19/22 Chi nhánh có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 97% trở lên, chiếm 86,36 %; tỷ lệ hồ sơ chậm giải quyết bình quân của toàn hệ thống là 2.9%.

Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, VPĐKĐĐ TP.HCM đã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 trên cơ sở đề ra các giải pháp bám sát các nguyên nhân gây chậm giải quyết hồ sơ trong thời gian qua. Từ đó, Giám đốc các Chi nhánh căn cứ vào đặc điểm tình hình của đơn vị đề ra các giải pháp cụ thể, đặc biệt là tập trung vào 3 Chi nhánh có tỷ lệ hồ sơ đúng hạn dưới 97%.

Theo đó, tập trung vào công tác phối hợp với Cục thuế Thành phố xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện liên thông thuế trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã để cùng xây dựng và trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực nhà đất nhằm góp phần xây dựng, quản lý địa phương ngày một tốt hơn; tái cấu trúc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Mở rộng liên thông thuế điện tử, tập trung liên thông thuế điện tử tại VPĐKĐĐ thành phố; thực hiện cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính theo mức độ 3, 4; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo hướng tập trung.

Ngoài ra, VPĐKĐĐ TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng, trong đó là đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các Chi nhánh nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông Hoàng Vũ Tuyến - Giám đốc VPĐKĐĐ Thanh Hóa:

Ứng dụng CNTT để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thực hiện Quyết định số 4482/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 của UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của VPĐKĐĐ, Sở TN&MT Thanh Hóa đã chỉ đạo VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh tập trung vào các giải pháp cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, có một số thủ tục đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 1 - 3 ngày làm việc so với thời gian giải quyết theo quy định. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tại sở và website của Sở, trên cơ sở dữ liệu quốc gia, tại các Chi nhánh trực thuộc được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức thực hiện theo đúng các quy định của Trung ương, UBND tỉnh trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Việc luân chuyển hồ sơ được thực hiện trên môi trường điện tử qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử.

anh-1-ong-hoang-vu-tuyen-giam-doc-van-phong-dang-ky-dat-dai-thanh-hoa.jpg
Ông Hoàng Vũ Tuyến - Giám đốc VPĐKĐĐ Thanh Hóa

VPĐKĐĐ Thanh Hóa đã đưa 5 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của VPĐKĐĐ lên thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa và liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tham mưu cho Lãnh đạo Sở phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và Cổng dịch vụ công quốc gia để kết nối, tích hợp cung cấp dịch vụ công mức độ 4 (kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) đảm bảo triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ, cụ thể:

Thủ tục áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân như: Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận hoặc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Thủ tục áp dụng đối với tổ chức: Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về nghĩa vụ tài chính. Hiện nay, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên thông đối với các địa bàn xã miền núi tỉnh Thanh Hóa, VPĐKĐĐ đang hoàn thiện quy chế tiếp nhận, luân chuyển, thẩm định, trình ký hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình xử lý và quản lý hồ sơ. Hiện nay, VPĐKĐĐ đã triển khai thí điểm quy trình luân chuyển hồ sơ trên môi trường điện tử đối với các huyện Quan Sơn, Lang Chánh. Thời gian tới, VPĐKĐĐ sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện đối với các huyện còn lại nhằm rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ theo đường bưu chính, việc sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ (TD OFFICE) được duy trì thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả cao trong quá trình quản lý hồ sơ.

Ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông):

Gỡ vướng trong cấp “sổ đỏ” cho người dân có đất sản xuất

Đắk Glong là huyện có diện tích tự nhiên rộng, tài nguyên rừng phong phú. Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, được sự chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đắk Glong đã từng bước hoàn thiện các thủ tục để cấp đất sản xuất cho người dân.

ong-tran-nam-thuan-dak-nong.jpg
Ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

Hiện tại, huyện Đắk Glong đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân. Từ đó, dẫn đến việc cấp “sổ đỏ” vướng nhiều thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Nguyên nhân do tình trạng di cư tự do kéo dài đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quản lý nhân - hộ khẩu, tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực đất đai.

Để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất nói chung, người dân được cấp “sổ đỏ” để sản xuất nông nghiệp nói riêng, nhất là “gỡ khó” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong đang rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện cấp đất cho người dân đủ điều kiện; tăng cường thực hiện các thủ tục để người dân sớm có “sổ đỏ” để phát triển kinh tế.

Liên quan đến công tác cấp “sổ đỏ” cho người dân, hiện nay, UBND huyện Đắk Glong đã lập “Dự án ổn định dân di cư tự do cho đồng bào HMông xã Quảng Hòa, Đắk R,Măng huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông”, và đề nghị cấp trên xem xét bố trí vốn cho triển khai thực hiện nhằm ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân di cư tự do trên địa bàn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Yên Bái:

Tuyên truyền hướng đến mục tiêu phủ kín “sổ đỏ” cho dân

Để tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao được thực hiện các quyền đối với thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những năm qua, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào vùng cao đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, hiệu quả đạt được còn thấp, một phần do nhận thức của người dân còn hạn chế. Điều này thể hiện qua số lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai tại các huyện vùng cao của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, và các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên… Cụ thể, năm 2021, huyện Trạm Tấu có 484 hồ sơ, Mù Cang Chải có 299 hồ sơ; Năm 2022, huyện Trạm Tấu có 648 hồ sơ, Mù Cang Chải có 423 hồ sơ.

o-ha-yen-bai.jpg
Ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Yên Bái

Để phấn đấu mục tiêu phủ kín “sổ đổ” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các Chi nhánh văn phòng các huyện khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác diện tích, số lượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu của người sử dụng đất để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị máy móc và các điều kiện cần thiết để triển khai nội dung thực hiện.

Về vấn đề này, VPĐKĐĐ tỉnh đã quán triệt và yêu cầu các phòng chuyên môn, các Chi nhánh nghiêm túc thực hiện nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2025 “100% thửa đất được đăng ký lần đầu” theo chỉ tiêu Kế hoạch số 53/KH-STNMT ngày 05/11/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai. Và thực hiện Chương trình hành động số 13/CTr-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, các Chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện phải tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện và UBND cấp xã tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu và nắm được các quyền, lợi ích của việc cấp “sổ đỏ”, mục tiêu đẩy nhanh việc phủ kín “sổ đỏ” trên địa bàn. Trong đó, cần tranh thủ “tiếng nói” của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân.

Văn phòng mong muốn, Sở TN&MT trình UBND tỉnh sớm cho phép triển khai đo đạc bản đồ địa chính tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải và 7 xã thuộc thị xã Nghĩa Lộ (được sáp nhập từ huyện Văn Chấn) và tổ chức triển khai cấp giấy chứng nhận lần đầu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu tại thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải theo Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Song - Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ Đà Nẵng:

Sẽ linh hoạt giải quyết “sổ đỏ” cho các dự án phát triển đô thị gắn với du lịch

Thực hiện Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 14/02/2020 của Bộ TN&MT về hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận công trình xây dựng không phải nhà ở, Sở TN&MT Đà Nẵng đã tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp đủ điều kiện tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.

anh-2-nguyen-hong-song-giam-doc-van-phong-dkdd-da-nang.jpg
Ông Nguyễn Hồng Song - Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ Đà Nẵng

Bên cạnh đó, VPĐKĐĐ TP. Đà Nẵng đã thực hiện đúng theo quy định tại Điều 99 Luật Đất đai năm 2013 thì chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận, thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan.

Đối với việc cá nhân hay tổ chức mua căn hộ chung cư, biệt thự tại các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, Sở cũng đã chỉ đạo hệ thống VPĐKĐĐ thực hiện cấp Giấy chứng nhận với mục đích để ở theo quy định tại Khoản 22 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Hiện, Đà Nẵng đang tập trung gỡ khó đối với các dự án đầu tư kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch (loại hình Condotel) bởi những đây là loại hình kinh doanh phát triển mạnh tại Đà nẵng do thế mạnh từ du lịch, tuy nhiên, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan hiện chưa quy định cụ thể chế độ sử dụng đất, thời hạn sở hữu căn hộ, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, của khách hàng, cũng như trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ du lịch, biệt thự du lịch. Chủ trương của Đà Nẵng là sẽ áp dụng linh hoạt nhưng đúng pháp luật để tạo điều kiện cho các dự án phát triển, việc tạo điều kiện này cũng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng từ lĩnh vực du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò Văn phòng Đăng ký đất đai - tiếng nói từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO