Ông Nguyễn Đắc Lực - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La: Khai thác hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường
Những năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ngành TN&MT. Trong bối cảnh đó, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, các huyện, thành phố, ngành TN&MT đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, đoàn kết, thống nhất, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bài bản, khoa học các nhiệm vụ, giải pháp, chủ động hóa giải, "biến nguy thành cơ", phát huy các nguồn lực tài nguyên, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cho mục tiêu phát triển bền vững.
Ngành đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai các dự án trọng điểm như: Vinamilk Mộc Châu, Vinatea, Khu dân cư số 1 phường Chiềng An, Công viên 26 - 10; Khu đô thị Pột Nọi, phường Chiềng Cơi; khu đô thị Tây Tiến, thị trấn Mộc Châu… và các dự án liên quan đến môi trường, khai thác khoáng sản. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai có chuyển biến rõ nét, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư; kết quả xử lý vi phạm về đất đai bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục có nhiều cơ hội, thời cơ tăng tốc phát triển, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra “Xây dựng Sơn La phát triển xanh - nhanh và bền vững” - toàn ngành TN&MT Sơn La phấn đấu đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực của ngành và phạm vi toàn tỉnh. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu BVMT bền vững, chủ động ứng phó BĐKH.
Ông Cầm Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai: Đưa Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Quyết định của UBND tỉnh về xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn NTM năm 2025, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu xây dựng Quỳnh Nhai phát triển nhanh và bền vững, lấy phát triển cây ăn quả, cây dược liệu, thủy sản và du lịch làm những khâu đột phá trọng yếu. Những năm qua, Quỳnh Nhai đã và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề án, trong đó, công tác quản lý tài nguyên, BVMT được đặc biệt quan tâm, chú trọng, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chặt tài nguyên, môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Nhờ đó, công tác quản lý tài nguyên, BVMT trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản, nước… được bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy hoạch, kế hoạch, không để xảy ra các vụ việc vi phạm phức tạp. Quản lý chặt ngay từ đầu các dự án liên quan đến khai thác khoáng sản; lòng hồ thủy điện Sơn La được khai thác hiệu quả cho phát triển du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; công tác tuyên truyền không sử dụng thuốc trừ cỏ, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống rác thải nhựa được tăng cường.
Đặc biệt, để thực hiện tiêu chí môi trường, huyện đã và đang quyết liệt chỉ đạo triển khai đảm bảo hoàn thành 100% các nội dung tiêu chí theo Bộ Tiêu chí Quốc gia huyện NTM, tập trung xây dựng hạ tầng môi trường nông thôn, thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung, công trình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô cấp huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai và nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa, thu gom, xử lý, tái chế, tái xử lý rác; triển khai các dự án, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện hiệu quả đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; kiên quyết nói không với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm, xử lý nghiêm các dự án vi phạm về môi trường.
Ông Cầm Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên: Quản lý chặt các nguồn lực cho phát triển
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT, huyện Phù Yên đã triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo đúng quy định; đã lập, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất... được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đã triển khai đo đạc, điều chỉnh quy hoạch và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có nguồn gốc từ công ty lâm nghiệp bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Phù Yên đã tổ chức thành công 3 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá thành công 113 thửa đất với tổng diện tích hơn 1,9ha; số tiền trúng đấu giá trên 74 tỷ đồng. Công tác phát triển đô thị được quan tâm triển khai; huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển đô thị theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về số lượng, chất lượng và quy mô; thay đổi diện mạo các đô thị theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội làm cơ sở thu hút đầu tư.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến 2030, Phù Yên đang nâng cấp đô thị thị trấn lên đô thị loại IV; đô thị Gia Phù lên đô thị loại V. Cùng với đó, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 7 khu nhà ở, trong đó, đã khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng 3 khu nhà ở, góp phần đổi mới bộ mặt đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Hướng tới mục tiêu quản lý chặt chẽ, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; BVMT cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó BĐKH, thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi chuyển quyền sử dụng đất trái phép, xây dựng trái phép, lấn, chiếm sử dụng đất không đúng mục đích; các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm…
Ông Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch UBND thành phố Sơn La: Hướng tới phát triển đô thị xanh - thông minh - bền vững
Với mục tiêu quy hoạch mở rộng thành phố, hướng tới mục tiêu đô thị loại I, những năm qua, UBND thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hoàn thành các chuyên đề kinh tế - xã hội để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố đến năm 2045 và các quy hoạch phân khu; Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố; Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2045; Đề án phát triển thành phố theo định hướng đô thị loại I, phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Từ năm 2020 tới nay, đã thu hút 15 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, gồm: Các dự án khu đô thị mới dọc suối Nặm La, Tây Nam thành phố, Khu đô thị số 2 - Hồ Tuổi Trẻ, Khu đô thị Phiêng Khá... Tập trung nguồn vốn ưu tiên đầu tư phát triển trước, nhanh hệ thống giao thông đối ngoại, giao thông nội thành phố, giao thông đến trung tâm xã với hơn 40 km, đặc biệt là tuyến tránh thành phố Sơn La dài gần 20 km sẽ hoàn thành vào tháng 9/2022. Đây là tiền đề quan trọng để phân khu, mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối giữa vùng đô thị hiện hữu với vùng đô thị mở rộng, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhằm thu hút các Tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia đầu tư phát triển. Thành phố cũng đang làm việc với Cơ quan phát triển Pháp để sử dụng nguồn vốn ODA vào các dự án thoát lũ, chống ngập úng, xử lý nước thải, cây xanh, hồ điều hòa; dự kiến triển khai cuối năm 2023.
Trong quá trình đó, thành phố luôn quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giám sát, thanh, kiểm tra thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm vi phạm; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng, chú trọng, tập trung vào các đồ án quy hoạch tạo quỹ đất phát triển đô thị, thu hút đầu tư, xây dựng công trình phục vụ công cộng cấp đô thị. Song song quá trình phát triển đô thị, thành phố luôn quan tâm công tác BVMT, nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với đô thị hóa; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; từng bước xây dựng khu vực nông thôn dần trở thành "miền quê đáng sống".
Bà Hoàng Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn: Chủ động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tài nguyên, môi trường
Năm 2022, Huyện ủy Mai Sơn đã quán triệt 12 Chủ trương lớn để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó, các nội dung lĩnh vực tài nguyên, môi trường gồm: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng và một số dự án trọng điểm; Vận động toàn dân tích cực tham gia chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, gắn với xây dựng NTM phát triển bền vững; Vận động tổ chức, cá nhân chung tay cùng Nhà nước quyết tâm chỉnh trang khu dân cư đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại….
Triển khai các chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức lập, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Xây dựng và khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu từ đất gồm 12 khu; tổ chức đấu giá thành công 14 thửa đất tại 4 khu quy hoạch. Lựa chọn 7 khu dân cư mới, quy mô dự kiến 23,1ha và 12 khu để thực hiện chỉnh trang, với tổng quy mô 21,9ha; trước mắt, đang triển khai làm thí điểm tại khu dân cư bản Yên Tiến, xã Hát Lót.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, BVMT, khoáng sản. Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản; Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi; tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên và BVMT.
Công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý tài nguyên, môi trường. Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức trên 30 đoàn kiểm tra, tập trung tại các xã tiềm ẩn nguy cơ vi phạm, chủ yếu tại Chiềng Mung, Chiềng Lương, Chiềng Chung, Tà Hộc... Qua đó, đã phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm 23 trường hợp, tổng tiền phạt gần 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu: Xây dựng thị trấn Thuận Châu đạt đô thị loại IV năm 2025
Nhằm phát huy nguồn lực để tạo đột phá, xây dựng đô thị phát triển toàn diện, cân bằng, bền vững, có điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng thị trấn Thuận Châu; phấn đấu xây dựng thị trấn đạt đô thị loại IV vào năm 2025.
Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ huyện, UBND huyện đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ một số nội dung, dự án nhằm đáp ứng các điều kiện đưa thị trấn Thuận Châu đạt đô thị loại IV gồm: Dự án chỉnh trang đô thị với nhiều tuyến đường, hành lang hè phố, hệ thống chiếu sáng đô thị được cải tạo, nâng cấp, mở rộng; Dự án mở rộng thị trấn được quan tâm chỉ đạo. Triển khai xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư NTM tại thị trấn và các xã lân cận, dự kiến đủ điều kiện đưa vào đấu thầu cuối năm 2022 với kỳ vọng mang lại luồng gió mới trong thu hút đầu tư, tạo cảnh quan đô thị hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về BVMT đến nhân dân. Tăng cường kiểm tra BVMT với các tổ chức, cá nhân, đến nay, các cơ sở, nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn hầu hết đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về BVMT, đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thực hiện quan trắc môi trường định kỳ. Công tác thu gom, xử lý rác thải từng bước chuyển biến, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 81,4%; đô thị đạt 100%. Việc giải quyết đơn thư, ý kiến cử tri và dư luận xã hội được xem xét, kiểm tra, xử lý kịp thời, hạn chế được “điểm nóng”, bức xúc về môi trường. Kết quả quan trắc môi trường không khí, nước mặt và môi trường đất của huyện Thuận Châu hằng năm đều cho thấy chất lượng môi trường diễn biến tương đối ổn định; với đa số các thông số có sự biến động không lớn, nằm trong giới hạn cho phép.