Phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh hàng đầu về phát triển kinh tế biển

Lan Anh (thực hiện)| 10/12/2021 16:15

(TN&MT) - Để trở thành địa phương hàng đầu của cả nước về phát triển bền vững kinh tế biển, Khánh Hòa đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển và vùng ven biển đảo. Xung quanh câu chuyện này, phòng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa.

PV: Xin ông cho biết định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa thời gian tới?

Ông Nguyễn Khắc Toàn:

Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 5/7/2019 với mục tiêu cơ bản đến năm 2030 đưa kinh tế biển và vùng ven biển, đảo của tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng và chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa

Theo đó, Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ: quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; (2) Công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; (3) Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; (4) Dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, vận tải biển - hàng không; (5) Kinh tế đảo.

Các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư và phát triển là khu vực vịnh Cam Ranh (Cam Lâm, Cam Ranh), thành phố Nha Trang và Khu Kinh tế Vân Phong (Vạn Ninh, Ninh Hòa) theo hướng phát triển các khu du lịch, xây dựng các cảng biển có quy mô lớn và tầm cỡ quốc tế. Trong đó, xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong thành vùng kinh tế tổng hợp, chú trọng xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lấy phát triển kinh tế cảng biển và công nghiệp dịch vụ cảng biển làm chủ đạo với phát triển du lịch biển chất lượng cao.

Khánh Hòa là tỉnh có nhiều lợi thế biển, đảo, chiều dài bờ biển tính theo mép nước khoảng 385km; có gần 200 đảo lớn, nhỏ gần bờ và 3 vịnh nổi tiếng là vịnh Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ biển.

Đối với huyện đảo Trường Sa, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế và an sinh xã hội theo hướng khai thác hải sản, du lịch, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, để phát triển xã hội bền vững, tỉnh cũng xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông, nước sạch sinh hoạt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục… tại các khu vực ven biển và trên các đảo có người dân sinh sống. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giáo dục định hướng các ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế biển.

PV: Để trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, Việt Nam đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy việc phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, đứng trước sự biến động không ngừng của xã hội và ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng, rất cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển sang những ngành, lĩnh vực mới hơn, năng động và bền vững hơn. Khánh Hòa sẽ có những quyết sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Toàn:

Phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, tài nguyên biển, đảo…, trong những năm qua, Khánh Hòa đã tập trung, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế biển theo hướng cơ cấu ngành, nghề phong phú, từng bước hiện đại; trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống cảng biển; phát triển dịch vụ hàng hải, du lịch biển đảo, công nghiệp đóng tàu, kinh tế thủy sản. Hiện nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn; tiếp tục khẳng định đường lối, hoạch định chính sách đúng đắn của Trung ương, của tỉnh trong hoạch định phát triển kinh tế biển, tạo giá trị nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

 

Hiện tại, Khánh Hòa đang tập trung thực hiện đồng thời Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với các quy hoạch vùng, địa phương. Trong đó, bao gồm quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển, tạo cơ sở cho quá trình triển khai xây dựng chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển chất lượng cao, các khu phi thuế quan, khu thương mại, du lịch cao cấp, trung tâm logistic hiện đại và cảng công-ten-nơ.

Đặc biệt, tỉnh cũng đang chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn chỉnh Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", trình Bộ Chính trị xem xét. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất, kiến nghị Bộ Chính trị đồng ý chủ trương có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới; đây là những cú hích, động lực thực sự cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Khánh Hòa trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong nước và ngoài nước, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, khơi thông các nguồn lực để tỉnh phát triển, phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

PV: Khánh Hòa là tỉnh có tiềm năng du lịch biển rất lớn, đặc biệt là thành phố biển Nha Trang và các vùng vịnh. Tuy nhiên, thời gian qua do tác động của dịch bệnh Covid-19, du lịch của cả nước và du lịch biển của Khánh Hòa chịu tác động không nhỏ, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp như thế nào để khôi phục du lịch biển, đặc biệt là du lịch biển bền vững sau tác động của dịch bệnh?

Ông Nguyễn Khắc Toàn:

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế của tỉnh, trong đó ngành du lịch với thế mạnh là du lịch biển, chiếm tỷ trọng trên 12% GRDP, là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để khôi phục du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng sẽ mất không ít thời gian, nguồn lực và đòi hỏi phải có những định hướng, bước đi phù hợp, vững chắc hơn.

Như trên đã đề cập, thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển hiện có và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch biển chất lượng cao, đi đôi với bảo vệ, tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên, hệ sinh thái biển, cải thiện môi trường du lịch nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài. Bên cạnh việc chủ động đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương, tạo ra nhiều cung đường “xanh”, kết nối du lịch “khép kín”, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh cũng chủ trương xây dựng nhiều chương trình, chính sách phối hợp kích cầu linh hoạt; thúc đẩy các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch để mời gọi du khách trở lại.

“Sự kiện trồng rừng ngập mặn lần này được Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp triển khai tại địa phương là một trong những hoạt động có ý nghĩa đối với việc phát triển rừng, là một trong những hoạt động hiện thực hóa giải pháp để tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cải thiện môi trường biển”.

Ông Nguyễn Khắc Toàn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa

Trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh và triển khai Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tính đến việc đầu tư phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch; khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; khu vực Bắc Vân phong là trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh. Tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng du lịch để tạo sự đột phá và thu hút các nhà đầu tư lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững; trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; mở rộng, nâng công suất nhà ga hành khách của Sân bay quốc tế Cam Ranh; đầu tư cảng Nha Trang trở thành cảng biển chuyên dùng du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động du lịch. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch biển, đảo Khánh Hòa trong tương lai. Chú trọng phát triển đa dạng hóa thị trường khách du lịch, xây dựng chương trình, hình thức xúc tiến quảng bá phù hợp với từng thị trường, đi đôi với việc tăng cường liên kết nhằm phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây nguyên và cả nước.

Như vậy, với những tiềm năng, lợi thế có sẵn, cùng với sự sáng tạo, đổi mới trong việc hoạch định chính sách phát triển phù hợp với tình hình thực tế, sẽ đưa du lịch Khánh Hòa phát triển ngày càng bền vững, thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn và chất lượng, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

PV: Việc tổ chức các sự kiện làm sạch biển, các sự kiện trồng cây như sự kiện sắp tới chúng ta sắp tổ chức có ý nghĩa như thế nào trong việc tuyên truyền về chiến lược phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong vấn đề nâng cao ý thức bảo vệ biển, bảo vệ môi trường của người dân? 

Ông Nguyễn Khắc Toàn:

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, từng bước hướng đến nền kinh tế xanh, thực hiện tăng trưởng xanh, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa và kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực quản lý môi trường, quan trắc môi trường, huy động nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở. Có lộ trình giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế sạch ngay từ khâu quy hoạch. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển nhằm quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Khánh Hòa sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, quy hoạch phát triển của tỉnh phù hợp với quy hoạch của quốc gia, vùng, làm cơ sở cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của của Khánh Hòa trong liên kết vùng miền Trung - Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch biển chất lượng cao và đẩy mạnh phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và Khu Kinh tế Vân Phong... đặc biệt là ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường.

Để công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản lý, tăng cường đầu tư của Nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường, đòi hỏi phải có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về môi trường; tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện” và nhiều hoạt động thu gom rác thải nhựa, dọn dẹp vệ sinh môi trường biển... Đặc biệt, hoạt động trồng rừng với mục tiêu 8,5 triệu cây phân tán và 1.600ha rừng đã và đang được hưởng ứng, phát huy, tạo thành phong trào thực hiện thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở.

Trong  giai đoạn 2017 - 2025, Khánh Hòa cũng quyết tâm hoàn thành mục tiêu trồng thêm 400ha rừng ngập mặn, với 2 loại cây chủ yếu là đước và tràm. Vì vậy, tôi cho rằng, sự kiện trồng rừng ngập mặn tới đây được Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp triển khai tại địa phương cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa đối với việc phát triển rừng, là một trong những hoạt động hiện thực hóa giải pháp để tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cải thiện môi trường biển.

 

Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, góp phần phục hồi rừng ngập mặn tại các địa phương, đặc biệt là tại Cam Lâm, khi mà hiện trạng rừng tự nhiên thời gian qua đã có nhiều dấu hiệu suy giảm; hạn chế được tình trạng xói mòn đất, tạo môi trường phát triển cho sinh vật biển; giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất nuôi, trồng thủy sản, từ đó tác động, làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân trong việc đồng hành, tham gia tích cực vào công tác trồng rừng, bảo vệ môi trường ven biển; qua đó tiếp tục có sự lan tỏa ý thức trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ biển của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh hàng đầu về phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO