Phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển KT-XH: Tạo đà cho thị trường bất động sản

Hà Thư| 01/03/2022 09:46

(TN&MT) - Sự ra đời và phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) đã có những đóng góp không nhỏ vào dòng chảy phát triển kinh tế xã hội, trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế vĩ mô. Làm thế nào để phát huy nguồn lực đất đai - nguồn tài nguyên vô giá và hữu hạn, góp phần tạo đà cho thị trường BĐS, là câu hỏi cần được giải đáp sớm và có những cách làm quyết liệt.

Chia sẻ với Báo TN&MT, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam) cho rằng, phát huy nguồn lực đất đai trong thị trường BĐS có thể được hiểu trên ít nhất hai khía cạnh: Thứ nhất, đất đai là một thực thể. Bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, muốn phát triển đều phải dựa vào đất. Thứ hai, đất đai tạo nguồn lực tài chính quan trọng để phát triển đất nước. Các quốc gia trên thế giới trong giai đoạn công nghiệp hóa đều phải dựa vào nguồn lực đất đai như là vốn khởi đầu.

bat-dong-san-nam-phu-quoc1.jpg
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam 

Cũng theo ông Bùi Văn Doanh, tài nguyên đất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển sống còn của thị trường BĐS. "Bản chất của BĐS chính là đất đai. Những tài sản khác trên đất không di chuyển được cũng thuộc về BĐS. Các sản phẩm BĐS như BĐS du lịch, BĐS thương mại, nhà ở… cũng đều phải dựa trên đất. Nhưng chỉ khi đất đai được đưa ra giao dịch thì mới trở thành thị trường. Không thể phủ nhận, trong thị trường tài chính, BĐS chiếm tỷ lệ rất lớn. Do đó, các lĩnh vực khác đều phụ thuộc vào BĐS. Ví dụ như ngân hàng cho vay lớn nhất vẫn là BĐS. Nguồn lực tài chính trong dân đổ vào đất đai cũng là rất lớn…”, ông Doanh nhấn mạnh.

phat-huy-nguon-luc-dat-dai-tao-da-phat-trien-thi-truong-bds.jpg

Nguồn lực đất đai minh bạch là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS.

Thực tế đối với các nước công nghiệp, hoạt động của thị trường BĐS thường chiếm khoảng 30% GDP. Cũng có rất nhiều quốc gia, nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước từ đất đai và BĐS chiếm 50% - 70% tổng thu. Từ đó, có thể thấy rằng, việc phát triển thị trường BĐS tạo ra những kích thích cho đầu tư vào đất đai, sự chuyển dịch năng động về lao động giữa các ngành, các vùng lãnh thổ, biến BĐS thành tài sản tài chính để tham gia vào hoạt động tài chính của nền kinh tế… Vì vậy, phát huy nguồn lực đất đai có ý nghĩa không thể thay thế với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào.

Bày tỏ quan điểm về thực trạng nguồn lực đất đai trong thị trường BĐS hiện nay, ông Bùi Văn Doanh nhìn nhận: Một trong những điểm yếu của thị trường BĐS Việt Nam tính đến thời điểm này là sự chưa chuyên nghiệp, thiếu minh bạch và bình đẳng. Vì vậy, muốn phát huy nguồn lực đất đai tối ưu, điều đầu tiên cần minh bạch hóa thị trường BĐS, cốt lõi là bình đẳng trong đấu giá đất, tạo ra một nền tảng pháp lý đấu giá đầy đủ và chặt chẽ để hạn chế những kẽ hở, tạo sự minh bạch trong tiếp cận đất đai dẫn đến việc giá đất không phản ánh đúng giá trị thực tế của BĐS.

Vì vậy, “Các nhà quản lý cần phát hiện về thể chế, pháp lý và xây dựng thị trường BĐS thực sự chuyên nghiêp, vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Chấm dứt cơ chế xin - cho, cơ chế chỉ định chủ đầu tư dự án… Khi những điều này được cải thiện, chắc chắn thị trường BĐS sẽ phát triển mạnh mẽ dựa trên những nguồn lực đất đai minh bạch… Bên cạnh việc hoàn thiện pháp chế, các nhà quản lý cũng phải có đủ bản lĩnh để điều phối và làm chủ thị trường BĐS, giúp thị trường vận hành chuyên nghiệp”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh thẳng thắn bày tỏ.

Những nguồn lực đất đai bị bỏ lỡ, gây thất thoát… đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Việc phát huy vai trò của nguồn tài nguyên quý giá nhưng hữu hạn này chính là khâu then chốt để giữ vững và nâng cao tiềm lực tài chính quốc gia. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng chấn chỉnh những điểm còn chưa minh bạch, bình đẳng trong lĩnh vực đất đai để phát huy đúng nguồn lực của nó, tạo đà cho sự phát triển của thị trường BĐS.

Tiến sĩ Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng: Tạo môi trường lành mạnh cho phát triển bền vững

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã và đang thực hiện đồng bộ việc khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KT-XH. Các dự án đầu tư phát triển KT-XH thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất được thành phố quan tâm và chú trọng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương hàng năm, từng bước sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng.

ong-to-van-hung-gd-so-tn_mt-dn.jpg
Tiến sĩ Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng

Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố là đơn vị đang quản lý 326 khu đất lớn với tổng diện tích hơn 202ha. Trong năm 2022, UBND thành phố đã có quyết định đấu giá quyền sử dụng đất đối với 6 khu đất lớn và 30 lô đất ở chia lô. Hiện nay, Sở TN&MT cũng trình UBND thành phố phê duyệt thêm danh mục đấu giá quyền sử dụng đất của năm 2022; đồng thời tham mưu UBND thành phố về triển khai các thủ tục về đất để thúc đẩy các dự án nhằm thu hút đầu tư như: dự án Tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn); dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi, giải trí, casino và chung cư cao cấp dọc đường Võ Văn Kiệt (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), nhất là khu đất A* góc tuyến đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp; dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ)...

Ngoài ra, Sở sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn nhằm khơi thông nguồn lực từ đất, nhất là những dự án quy mô lớn đang gặp vướng mắc, các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, khởi công dự án, tăng thu ngân sách, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục rà soát và có giải pháp sử dụng quỹ đất hiệu quả; xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai; tiếp tục hoàn thiện Đề án số hóa dữ liệu đất đai để sử dụng, khai thác hiệu quả.

Thời gian tới, Sở TN&MT kiến nghị Trung ương khẩn trương đổi mới, hoàn chỉnh hệ thống chính sách pháp luật đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Tiếp tục tham mưu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đất đai của các dự án, qua đó khơi thông nguồn lực, tạo nguồn thu ngân sách đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ông A Byot, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đất đai

Công tác quản lý đất đai đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KT - XH tại địa phương; đảm bảo cho việc sử dụng đất hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của địa phương.

ong-a-byot-.jpg
Ông A Byot, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đưa công tác đo đạc, lập bản đồ, quản lý hồ sơ địa chính đi vào nền nếp; các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được đảm bảo hơn; công tác cải cách thủ tục hành chính được nâng cao, tạo chuyển biến tích cực trong việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai.

Các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai được tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự. Các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cũng được ngành chức năng xử lý nghiêm.

Để phát huy vai trò của công tác quản lý đất đai phục vụ phát triển KT - XH tại địa phương, thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong ngành quản lý đất đai; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng tập trung hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo mô hình dịch vụ công, tập trung một cấp tại tỉnh; tăng cường năng lực của Tổ chức phát triển quỹ đất, từng bước phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai.

Ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương: Cần chủ động trong công tác lập quy hoạch

Thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai theo hướng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo cho nhu cầu phát triển bền vững của toàn tỉnh. Quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được khai thác triệt để, hợp lý và hiệu quả; đất phi nông nghiệp được sử dụng đúng yêu cầu, mục đích. Việc bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư đô thị và nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

ong-trac-van-trung.jpg
Ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương

Để đạt được những kết quả này, Hải Dương đã sớm triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện từ năm 2020 cho giai đoạn 2021 - 2030; thông qua quy hoạch, tỉnh và các địa phương đã chủ động quy hoạch, phân bổ, khoanh vùng các khu chức năng, dành quỹ đất cho tất cả các lĩnh vực (đất ở, đất công nghiệp, đất thương mại dịch vụ...); đến nay các quy hoạch đều cơ bản hoàn thành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung rà soát quỹ đất công tại các địa phương, xem xét, xử lý khai thác quỹ đất dư thừa thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trình Hội đồng nhân dân Tỉnh xem xét chấp thuận; thu hút đầu tư, thu hút các nguồn lực của xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác điều tra tiềm năng đất đai đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại địa phương; đồng thời thực hiện đánh giá chất lượng đất đai, làm cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển KT-XH: Tạo đà cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO