Phát huy nguồn lực đất đai ở Sa Pa: Đổi thay đời sống đồng bào
(TN&MT) - Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, những năm qua, diện mạo bản làng nơi đây đã có nhiều thay đổi, người dân không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc mà đã có của ăn, của để nhờ phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Chúng tôi đến Suối Hồ, Sa Pa trong một sớm mùa thu, trên những thửa ruộng bậc thang, đồng bào DTTS đương mùa thu hoạch lá atiso. Niềm vui hiện rõ lên trong khuôn mặt họ. Tôi cảm nhận cuộc sống ở đây đã phần nào đổi khác, ấm no đã về với bản làng. Suối Hồ đã “thay da đổi thịt” nhờ chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ cây trồng có giá trị thấp sang cây công nghiệp cho thu nhập cao.
Thoăn thoắt đôi bàn tay cắt lá atiso, ông Giàng A Chơ, thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, Sa Pa hồ hởi chia sẻ: “Trước đây người dân chúng tôi chỉ biết trồng lúa, trồng rau trên những mảnh ruộng bậc thang của gia đình mình. Thu hoạch chẳng đủ ăn. Giờ đây, nhờ Đảng, nhờ Chính phủ và chính quyền các cáp hỗ trợ, hướng dẫn, chúng tôi đã chuyển sang trồng cây atiso cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cây atiso được nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch nên bà con an tâm sản xuất và phát triển kinh tế”.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ các cây trồng, Sa Pa đã đưa 50ha cây atiso vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo. Trung bình một năm, bà con thu hoạch hơn 3.000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng/năm.
Tương tự như cây atiso, cây đào trên đất Sa Pa cũng phát huy được lợi thế trên vùng đất này. Anh Thào A Khay ở thôn Cửa Cải, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa) cho biết, anh và các gia đình trong thôn xem việc trồng, chăm sóc cây đào là việc làm hàng năm của nhà nông. “Trồng đào vừa nhàn lại cho giá trị kinh tế cao. Năm trước, chỉ tỉa cành đào đem bán, gia đình tôi cũng thu được gần chục triệu đồng. Nhờ đó, tôi mua được lợn, gà, mua quần áo cho con ăn tết. Khi đào vào vụ thu hoạch quả, đem bán có khi còn mua được cả xe và sửa được cả nhà” - anh Khay chia sẻ.
Hiện, Sa Pa có khoảng 100 ha đào được trồng tập trung ở các xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van, Tả Phìn. Đây là giống đào địa phương nên bà con trồng bằng hạt, từ năm thứ ba trở lên bắt đầu cho thu hoạch quả và tỉa cành để bán.
Ông Hạng A Sang, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: Chủ trương của xã là chuyển đổi cây trồng hàng năm sang cây trồng lâu năm. Cây đào Sa Pa đang là một trong những cây trồng đáp ứng được điều đó. Cây đào hiện đang là cây trồng giúp nhiều hộ dân nơi đây có nguồn thu khá ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Với diện tích là 681,37 km2, dân số là 81.857 người. Sa Pa chủ yếu là người Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó… xác định phải thực hiện tốt các chính sách dân tộc để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sa Pa đã triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con…
Ông Cấn Xuân Trọng, Trưởng Phòng TN&MT Sa Pa cho biết, để cụ thể hóa các chính sách, UBND thị xã Sa Pa đã thực hiện có hiệu quả Chương trình xóa đói, giảm nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ DTTS, hộ nghèo, đời sống khó khăn; chính sách giao đất không thu tiền đối với đất sản xuất nông nghiệp; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất và chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai cho các hộ nghèo, hộ DTTS;... góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai trên địa bàn, nhất là khu vực đồng bào DTTS, Sa Pa xác định: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai đến từng người dân. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”, giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.