Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn ( Quận 3, TP.HCM) hào hứng tại Lễ phát động cuộc thi "Hành trình xanh tái sinh vỏ hộp sữa" |
Cuộc thi được thực hiện bởi sự phối hợp của nhiều tổ chức: Ủy ban mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên các quận huyện; các doanh nghiệp: Doanh nghiệp xã hội Revival Waste, Công ty Tetra Pak, Công ty Nestle..
Theo Ban Tổ chức, cuộc thi nhằm giúp các em học sinh hình thành thói quen xử lý vỏ hộp sữa sau khi sử dụng, từ đó tạo một phong trào mạnh mẽ về thực hành phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường cho các em học sinh vì một môi trường xanh – sạch – đẹp
Một em học sinh thực hiện quy trình 4 bước xử lý vỏ hộp sữa đã qua sử dụng |
Cuộc thi “Hành trình xanh tái sinh vỏ hộp sữa” sẽ được diễn ra từ 05/10/2020 – 05/12/2020 được thực hiện trên nền tảng hoạt động thu gom vỏ hộp sữa đang được triển khai tại hệ thống các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Đến nay, cuộc thi đã thu hút hơn 300 trường mầm non và tiểu học đăng ký tham gia.
Tham gia cuộc thi, các em học sinh sẽ thực hiện quy trình 4 bước xử lý vỏ hộp sữa sau khi đã sử dụng. Sau đó, 100% lượng vỏ hộp sữa đã được xử lý đúng quy trình sẽ được vận chuyển về đơn vị tái chế, tách giấy, nhôm, nhựa để sản xuất thành những vật dụng có ích.
Các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa đúng quy trình |
Ban Tổ chức sẽ cộng dồn số vỏ hộp sữa thu hồi trung bình trên mỗi học sinh sau 2 tháng diễn ra cuộc thi để trao các giải thưởng tương ứng. Giải thưởng gồm những món quà ý nghĩa như: Thùng phân loại rác làm từ vỏ hộp sữa tái chế, Bảng bóng rổ làm từ vỏ hộp sữa tái chế, ba lô hành trình xanh….
Chương trình thu gom vỏ hộp sữa để tái chế (thay vì bỏ vào chung với rác) đã phát động ở TP.HCM từ năm 2018, có hơn 600 trường ở 18 quận huyện tham gia triển khai, góp phần giúp các em học sinh thực hành phân loại rác tại nguồn và tìm hiểu về việc tái chế, giảm rác thải ra môi trường.
Tại TP. Hà Nội, chương trình được thực hiện từ năm 2019, đến nay đã có 1.600 trường triển khai thu gom và chuyển giao đơn vị tái chế! Cùng với chương trình sữa học đường, lượng vỏ hộp các em thải bỏ hàng ngày ngày càng nhiều, đây là một hoạt động giúp giáo dục ý thức phân loại rác tại nguồn cho học sinh, bắt đầu từ 1 loại rác đơn giản nhất là vỏ hộp sữa.