Chiều ngày 22/6/2017, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ phát động Cuộc thi báo chí viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội đối với chương trình xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ phát động |
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta biết nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn luôn có vị trí chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trải qua bao biến cố của lịch sử, nông thôn Việt Nam luôn là nguồn cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực cho đất nước; là nơi lưu giữ hồn cốt bản sắc dân tộc; là nơi chở che, chia bớt và là chốn đi về của mỗi chúng ta. Vì thế, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một chủ trương, chính sách lớn lâu dài của Đảng, Nhà nước. Hiếm có chủ trương, chính sách nào lại nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và nhân dân, đặc biệt là bà con nông dân đến thế”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt đề cao vai trò của báo chí trong vấn đề xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng phát biểu: “Tôi cho rằng báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong thông tin phản biện để chúng ta ngày càng hoàn thiện chính sách về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền nông nghiệp để sát với thực tiễn. Báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng để tăng cường sự đối thoại giữa các cơ quan quản lý với nông thôn – là chủ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Việc đối thoại thẳng thắn, công khai và trách nhiệm sẽ phát huy hơn nữa dân chủ và hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền nông nghiệp. Các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý các cấp sẽ lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến chính đáng của cán bộ, nhân dân và cơ quan truyền thông báo chí trong quá trình tổ chức và thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng này”.
Cũng phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhờ sự quyết tâm của các cấp, ngành, quần chúng nhân dân và đặc biệt là sự tham gia của các cơ quan truyền thông, báo chí mà trong giai đoạn 1 thực hiện đề án (từ năm 2010 – 2015), chương trình Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường |
Những kết quả đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là: “Thứ nhất, chúng ta đã chuyển được nhận thức của cả hệ thống chính trị. Toàn dân đã xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng của mình, cho mình nên khi Nghị quyết được ban hành đã nhận được sự đồng lòng toàn xã hội. Thứ hai, chúng ta đã huy động được nguồn vốn toàn xã hội. Trong 5 năm, tổng đầu tư toàn xã hội cho đề án Nông thôn mới lên tới 1 triệu tỷ đồng. Riêng về thiết kế hạ tầng, giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, 5 năm vừa qua, khối lượng đã tăng gấp 10 lần giai đoạn trước. Điều này đã đặt nền móng cho việc tái cơ cấu nền nông nghiệp ở giai đoạn sau. Thứ ba, chúng ta có trên 20.000 mô hình nông nghiệp theo hướng tập trung, tiến bộ, trong đó có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Và mục tiêu chung nhất của giai đoạn này là chúng ta đã hoàn thành được 18,6% trên tổng số 20% số xã phấn đấu đạt nông thôn mới. Chính vì thế, bộ mặt nông thôn sau 5 năm đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất của bà con nông dân tăng 1,85% so với giai đoạn trước”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với chương trình xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vì vậy, cuộc thi lần này có vai trò hết sức quan trọng.
Được biết, Ban tổ chức cuộc thi sẽ nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động đến hết ngày 20/10/2020 với 4 loại hình báo chí: Báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử với các thể loại gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ghi chép, ký báo chí, bài chân dung…
Các tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm văn nghệ, vẽ tranh, tấu hài … Các tác phẩm sẽ được xét chọn thành 4 đợt: Năm 2017 từ ngày 1/1 đến 20/10; năm 2018 từ ngày 21/10/2017 đến 20/10/2018; năm 2019 từ ngày 21/10/2018 đến 20/10/2019; năm 2020 nhằm xét chọn tổng kết cuộc thi sẽ tính từ ngày 1/1/2017 đến 20/10/2020. Các tác phẩm đã được xét chọn các năm trước được tham gia xét chọn tổng kết giải.
Theo kế hoạch dự kiến, Ban tổ chức sẽ bắt đầu chấm giải từ ngày 21/10 hàng năm. Lễ công bố giải thưởng hàng năm sẽ được tổ chức vào dịp Ngày truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 14/10) tại Hà Nội. Về cơ cấu giải thưởng, căn cứ vào kết quả xét của Hội đồng giám khảo để xét tặng giải thưởng cho mỗi loại hình báo chí dự thi, gồm 1 giải A (trị giá 15 triệu đồng), 2 giải B (trị giá 7 triệu đồng), 3 giải C (trị giá 5 triệu đồng) và 5 giải Khuyến khích (trị giá 3 triệu đồng).
Các tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) hoặc qua thư điện tử nongthonmoi@mard.gov.vn.
Phạm Thiệu