Ông Phan Tuấn Hùng cho biết: Bộ TN&MT đã tích cực, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay có thể nói chúng tôi đã cán đích và chính thức hoàn thành đồng thời hai chỉ tiêu được Chính phủ giao về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Việc cắt giảm này đã chính thức được pháp lý hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực thi hành, chứ không chỉ dừng lại công bố các phương án cắt giảm.
Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 về sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo đó, Chính phủ đã cắt giảm được 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT.
Về cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước. Theo Thông tư này, Bộ TN&MT đã cắt giảm được 51,3% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực TN&MT.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ và theo thẩm quyền đã sửa đổi một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (14 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: 11 nghị định của Chính phủ và 03 thông tư của Bộ trưởng TN&MT) để chính thức pháp lý hóa các phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã công bố trước đó. Điều này đã khẳng định các cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong lĩnh vực TN&MT là thực chất và đi vào cuộc sống.
* PV: Thưa ông, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực TN&MT đã đạt được những kết quả như thế nào, xin ông nói cụ thể?
Ông Phan Tuấn Hùng: Như tôi đã đề cập, Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường này đã sửa đổi 11 Nghị định có liên quan thuộc 06/09 lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ.
Trong Nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 62,6% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực TN&MT), trong đó, bãi bỏ 77 điều kiện; sửa đổi 25 điều kiện. Song song với bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định này cũng bãi bỏ và đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính có liên quan, trong đó: lĩnh vực đất đai cắt giảm 17 điều kiện (bãi bỏ 08 điều kiện, sửa đổi 09 điều kiện); lĩnh vực môi trườngcắt giảm 48 điều kiện (bãi bỏ 43 điều kiện; sửa đổi 05 điều kiện), bãi bỏ 08 thủ tục hành chính; lĩnh vực khoáng sản cắt giảm 07 điều kiện (bãi bỏ 05 điều kiện; sửa đổi 02 điều kiện; lĩnh vực tài nguyên nướccắt giảm 28 điều kiện (bãi bỏ 21 điều kiện; sửa đổi 07 điều kiện), bãi bỏ 01 thủ tục hành chính; lĩnh vực khí tượng thủy văn sửa đổi, đơn giản hóa 01 điều kiện và lĩnh vực đo đạc và bản đồ sửa đổi, đơn giản hóa 01 điều kiện.
Một điểm đáng chú ý là ngày ký ban hành cũng là ngày Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, hơn 62% điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực TN&MT chính thức được cắt giảm kể từ ngày 5/10/2018 và doanh nghiệp, người dân không phải thực hiện các quy định, thủ tục không cần thiết trong lĩnh vực TN&MT.
Về cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, ngày 14 /8/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Thông tư này đã sửa đổi, bãi bỏ một số các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của 03 Thông tư thuộc lĩnh vực môi trường (liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất), biến đổi khí hậu (liên quan đến xuất, nhập khẩu các chất HCFC) và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia.
Với việc ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT, Bộ TN&MT đã chính thức bãi bỏ 51,3% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực TN&MT, đồng thời bãi bỏ và đơn giản hóa 10/10 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018.
Bên cạnh cắt giảm danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, để tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục cho việc nhập khẩu, thông quan các hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành TN&MT, Bộ TN&MT cũng đã kịp thời ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
*PV: Ông có đánh giá như thế nào về kết quả mà Bộ TàTN&MT đạt được so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt giảm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành?
Ông Phan Tuấn Hùng: Theo Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, các bộ, ngành (trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường) được yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
Đến nay có thể khẳng định, Bộ TN&MT đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cá nhân tôi cũng cho rằng Bộ là một trong các bộ đầu tiên cán đích và hoàn thành đồng thời cả hai chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Việc Nghị định số 136/2018/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tài TN&MT đã chính thức hoàn thành vượt chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ (12,6%). Về cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ với 38/74 hàng hóa kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm (51,3%).
Ngoài ra, còn có gần 20 thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực TN&MT cũng được bãi bỏ và đơn giản hóa cùng với việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Khi các điều kiện đầu tư kinh doanh và đối tượng được kiểm tra chuyên ngành không còn thì các thủ tục hành chính đi theo cũng được bãi bỏ cho phù hợp thực tế - đây được xem là một ngoại ứng tích cực.
* PV: Vậy thưa ông, đối tượng nào sẽ được hưởng lợi từ các kết quả cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành của ngành TN&MT, thưa ông?
Ông Phan Tuấn Hùng: Doanh nghiệp chắc chắn được hưởng lợi nhiều nhất từ các quy định cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt giảm hàng hóa kiểm tra chuyên ngànhtrong lĩnh vực TN&MT.
Kể từ nay trở đi, các doanh nghiệp không phải thực hiện các quy định, yêu cầu và thủ tục hành chính không cần thiết, không rõ ràng, trùng lặp hoặc không có mục tiêu quản lý...trong lĩnh vực TN&MT. Điều này giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí tuân thủ, bao gồm: thời gian, hồ sơ, kinh phí.... để thực hiện các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính có liên quan.
Không chỉ doanh nghiệp mới là đối tượng được hưởng lợi duy nhất mà cơ quan quản lý nhà nước theo đó cũng được hưởng các lợi ích tương tự, đó là tiết kiệm được thời gian, nguồn lực để thực hiện những quy định, yêu cầu không cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục hành chính có liên quancòn giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT đi theo hướng minh bạch hơn, hiệu quả hơn,góp phần từng bước chuyển dần phương thức quản lý nhà nước của ngành TN&MT từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!