Tài nguyên

Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước để tránh chồng chéo

Theo Quochoi.vn 05/06/2023 23:44

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 05/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tại Tổ 9, đa số ý kiến đại biểu đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương để thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, xung đột pháp luật. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9

Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, các ý kiến tại Tổ 9 thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm hoàn thiện hơn hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên nước, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên quan tâm đến khoản 24 Điều 3 giải thích về vận hành hồ chứa theo thời gian thực, đề nghị làm rõ “thời gian thực” ở đây là khoảng thời gian bao nhiêu vì thời gian tính toán ra kết quả để ra quyết định vận hành các hồ chứa thủy điện không chỉ phụ thuộc vào thời gian dự báo theo thời gian thực mà còn phụ thuộc vào thuật toán (phần mềm tính toán), cấu hình máy tính để chạy mô hình và kinh nghiệm của người thực hiện vận hành.

Đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên 

Liên quan đến quy định về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị, công nghiệp tập trung có quy mô lớn, trong đó cần xem xét bổ sung khoản giao Chính phủ xem xét quyết định quy mô/công suất/ đặc tính/loại hình của các cơ sở/hệ thống phải thực hiện mục tiêu tái sử dụng nước thải sau xử lý và sử dụng phù hợp với các mục đích.

Về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị bổ sung thêm cụm từ “các hoạt động khai thác gây hại tới hệ sinh thái thủy sinh”, vì thực tế hiện nay có các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng các chất hay vật dụng gây ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái dưới nước và môi trường nước khi khai thác thủy sản (chích điện, chất nổ…).

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị rà soát, xem xét sự cần thiết ban hành nhiều quy hoạch về tài nguyên nước như hiện nay và để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy hoạch khác. Quy định Quy hoạch tài nguyên nước bao gồm: Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia có thuộc Hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo dự thảo Tờ trình, sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực, các địa phương dã và đang xây dựng, lồng ghép nội dung về tài nguyên nước trong quy hoạch tỉnh theo quy định.

Cùng quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý tại Điều 8 danh mục ao, hồ, đầm, phá không được san lấp. Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra là nếu không được san lấp thì việc giảm thiểu diện tích, thể tích của hồ có được áp dụng hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ, nghiên cứu thêm về nội dung này.

Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10, trong đó nghiêm cấm hành vi xả nước thải vào nguồn nước dưới đất, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, điều này rất khó triển khai trong thực tiễn. Luật Tài nguyên nước năm 2012 cho phép xả nước thải vào những nơi có ao, hồ, đầm, phá, sông ngòi thì được xả thải, nhưng vùng miền núi không có các thủy vật nêu trên, cấm xả thải vào nguồn nước dưới đất, kể cả tái sử dụng tưới cây cũng cấm, thì rất khó cho việc xử lý nguồn nước thải này. Trường hợp này gặp nhiều ở các trang trại chăn nuôi đặt ở khu vực miền núi.

Điều 29 của dự thảo cũng nhắc lại quy định tương tự như Điều 10, do vậy đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ hơn tiêu chí này. Bởi vì nếu xử lý xả thải đạt tiêu chuẩn nước mặt theo quy định thì đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi hiện nay có nhiều quy định chuyên ngành về tái sử dụng nước thải sau chăn nuôi để phục vụ cho các dự án lâm nghiệp, nông nghiệp, có thể tái sử dụng theo hướng tiết kiệm, xem đấy là một nguồn đầu vào, áp dụng theo đúng quy chế kinh tế tuần hoàn đối với sử dụng nước.

Về Điều 20, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, một trong những nội dung cần điều chỉnh là nếu các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia mới hình thành ảnh hưởng đến tài nguyên nước thì phải điều chỉnh quy hoạch. Đại biểu bày tỏ băn khoăn khi thực hiện các dự án này thì căn cứ dựa trên quy hoạch nào, chiến lược nào để đảm bảo đáp ứng cho các dự án, công trình đó. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm.

Liên quan đến điều hòa, phân phối nguồn nước tại Điều 36, đại biểu Lê Đào An Xuân nêu rõ, dự thảo có nêu “xem xét dựa trên kịch bản nguồn nước, sử dụng công cụ hỗ trợ” gây khó hiểu, đề nghị bổ sung thêm nội dung tham vấn cộng đồng các nhà khoa học và chính quyền địa phương khi thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 9

Về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 66), có ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại khoản 1, khoản 2; làm rõ việc bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vì hiện nay lĩnh vực này do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện và thủy lợi phí vẫn đang được Nhà nước hỗ trợ; quy định cụ thể nguyên tắc thu, cách tính thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Cơ bản tán thành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp tại các Điều 76 và 77 của dự thảo Luật, tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các Bộ, ngành; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ khác có liên quan đến có khai thác, sử dụng nước để việc quản lý được thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực và bỏ sót lĩnh vực quản lý.

Các ý kiến đề nghị đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 76) cần được cụ thể hơn, bổ sung trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng liên quan đến nguồn nước, an ninh nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu tham gia thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 9:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 09 điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm hoàn thiện hơn hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên nước.

Đại biểu Lê Quang Đạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết trong dự án Luật này phạm vi điều chỉnh về nước dưới mặt đất.

Các đại biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 09 phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại Tổ 9.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước để tránh chồng chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO