Đầu tư - Tài chính

Phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng đi đôi với năng lực thực hiện

Theo Chinhphu.vn 28/08/2024 - 21:51

Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành, 63 địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Dự thảo Nghị định).

Phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng đi đôi với năng lực thực hiện- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng của dự thảo Nghị định là đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương về quản lý dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm đúng, phù hợp với thẩm quyền được quy định trong Luật.

Các đại biểu cần tập trung phân tích, làm rõ mức độ phân cấp đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đến đâu; năng lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; các quy định, tiêu chí, điều kiện triển khai… để bảo đảm "phân cấp đi đôi với năng lực thực hiện, không hạ thấp tiêu chuẩn, an toàn".

Cắt giảm dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 123 điều và 11 phụ lục.

So với Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã đề xuất phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh trừ dự án nhóm A có công trình cấp I có yêu cầu kỹ thuật phức tạp; đưa một số công trình cấp I xuống cấp II phù hợp về mức độ phức tạp; cắt giảm số lượng dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; quy định rõ các trường hợp điều chỉnh dự án, thiết kế có nội dung đơn giản thì không yêu cầu quay lại thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng…

Phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng đi đôi với năng lực thực hiện- Ảnh 2.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự thảo Nghị định cũng chuẩn hóa quy định thành phần, nội dung hồ sơ yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, bỏ yêu cầu cung cấp các thông tin, giấy tờ pháp lý đã có trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Loại bỏ một số trường hợp yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Gộp một số lĩnh vực chứng chỉ hành nghề không yêu cầu chuyên môn chuyên biệt, kéo dài hiệu lực chứng chỉ hành nghề cá nhân từ 5 năm lên 10 năm.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số khái niệm như: Khu nhà ở chung cư; dự án sử dụng vốn đầu tư nhà nước ngoài đầu tư công; công trình ngầm; quy hoạch phân khu được thay thế cho quy hoạch chung làm cơ sở lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung tại khu chức năng có quy mô dưới 500 ha; thẩm quyền thành lập Ban quản lý dự án đầu tư chuyên ngành, khu vực…

Bộ Xây dựng cũng xin ý kiến về quy định "vốn nhà nước ngoài đầu tư công" theo 2 phương án: Rà soát và thống kê các nguồn vốn nhà nước hiện đang được quy định tại các pháp luật có liên quan; không liệt kê cụ thể các loại nguồn vốn mà chỉ quy định chung.

Phân cấp dựa trên tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật

Thảo luận tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những nội dung lớn liên quan đến dự thảo Nghị định: Cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn xây dựng nghị định; mục đích, phạm vi điều chỉnh; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thực thi Nghị định khi được ban hành;…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị định. Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định cần cụ thể hơn nữa quy định phân cấp, phân quyền, bảo đảm cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền, trình tự trong cấp phép điều chỉnh thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn về xây dựng; chú ý sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định thẩm quyền thẩm định theo quy mô dự án thành phần đối với các dự án được triển khai theo dự án thành phần…

Cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề cập đến quy định thẩm quyền thành lập Ban quản lý dự án đầu tư chuyên ngành cho phù hợp với thực tế hoạt động, trên tinh thần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Cho rằng Bộ Xây dựng đã giải trình khá đầy đủ các nội dung, những vấn đề lớn, tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cần rà soát để có quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh cũng như tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và những điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các thỏa thuận quốc tế về ODA trong dự thảo Nghị định; bảo đảm các điều khoản, quy định trong dự thảo nghị định là rõ ràng, không chồng chéo, không gây các cách hiểu khác nhau khi áp dụng.

Phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng đi đôi với năng lực thực hiện- Ảnh 3.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh phạm vi phân cấp thẩm quyền cho bộ, ngành, địa phương trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật… - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục, hồ sơ thiết kế, thẩm định dự án, hiện đang còn rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức trong quá trình lập, triển khai thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định rõ hơn về tiêu chí đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là những tiêu chí về tầm quan trọng, quy mô vốn, độ phức tạp của dự án,…

Cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định và từ thực tế địa phương, lãnh đạo, đại diện một số địa phương như Hà Nội, Đồng Tháp, Hải Phòng, Đà Nẵng,… đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc tháo gỡ những khó khăn về trình tự đầu tư xây dựng; nguyên tắc lập, thẩm định, phê duyệt dự án; phân loại dự án; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong triển khai thực hiện các dự án; thực hiện nhiệm vụ khảo sát và thiết kế xây dựng; cấp phép xây dựng;…

Bỏ những khâu, thủ tục rườm rà, không cần thiết

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương, từ thực tế, thực tiễn hoạt động, tiếp tục có những ý kiến xác đáng để Bộ Xây dựng tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó có nội dung về áp dụng pháp luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định; điều khoản chuyển tiếp; tham chiếu, viện dẫn các luật chuyên ngành;…

"Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện những nghị định khác liên quan đến lĩnh vực xây dựng có thể được xem xét nghiên cứu, đưa vào Nghị định này, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh phạm vi phân cấp thẩm quyền cho bộ, ngành, địa phương trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật… bám sát quy định của luật, "bỏ những khâu, thủ tục rườm rà, không cần thiết"; làm rõ những nội dung trong dự án đầu tư xây dựng cần thẩm định, phê duyệt lại khi có sự thay đổi…

Theo Phó Thủ tướng, thay vì phân cấp dựa trên phân loại nhóm dự án (A, B, C), Bộ Xây dựng cần nghiên cứu phương án những dự án đã có tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng thì phân cấp tối đa, còn cơ quan chuyên môn về xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định các dự án lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam hoặc mang tính chất đặc thù, chuyên ngành.

Trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động về xây dựng, rà soát, có quy định quản lý đầy đủ đối với điều kiện hoạt động và lập cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân hành nghề… từ khâu đào tạo, cấp chứng chỉ, công bố công khai, và cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Phó Thủ tướng mong muốn sau khi được ban hành, Nghị định sẽ là công cụ quản lý tốt hơn trong quản lý dự án đầu tư xây dựng với thủ tục hành chính đơn giản hơn./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng đi đôi với năng lực thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO