Phân bón Phú Mỹ - “Cho mùa bội thu”
Có thể khẳng định ngay rằng, việc xây dựng và đưa Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chính thức vận hành vào tháng 12/2004 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam; góp phần tích cực vào giữ vững an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đây là giải pháp căn cơ để dần xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào thị trường phân bón thế giới của Việt Nam trước đó.
Cụ thể, nhu cầu phân đạm hàng năm của nông nghiệp Việt Nam lên tới hơn 2 triệu tấn, nhưng cho đến cuối những năm 1990, cả nước chỉ có duy nhất Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với sản lượng chỉ đáp ứng khoảng 7-10% nhu cầu. Lượng phân bón còn lại phải nhập khẩu với kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ (công suất 800 nghìn tấn/năm) ra đời với với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ - Cho mùa bội thu” đã đáp ứng gần 40% nhu cầu phân đạm của cả nước, làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu trên thị trường phân bón; góp phần giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, giảm các cơn sốt do đầu cơ. Từ đó góp phần quan trọng vào ổn định thị trường trong nước, giúp ổn định nguồn vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp đất nước tiết kiệm nguồn ngoại tệ nhập khẩu phân bón.
Đến nay, trải qua gần 20 năm hoạt động, PVFCCo đã sản xuất và cung ứng cho ngành nông nghiệp hàng chục triệu tấn phân bón, mang lại lợi nhuận 30 nghìn tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 6 nghìn tỉ đồng. Từ chỗ chỉ có một sản phẩm duy nhất là Đạm Phú Mỹ thì hiện tại, PVFCCo đã có bộ sản phẩm phân bón khá toàn diện gồm Đạm Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, các công thức đa dạng của NPK Phú Mỹ và liên tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của ngành nông nghiệp.
Hiện PVFCCo đang vận hành 2 nhà máy hiện đại với năng lực sản xuất khoảng 1 triệu tấn phân bón/năm, giữ vị trí số 1 trong ngành phân bón. Gần đây, PVFCCo còn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ. Từ một nước nhập khẩu urê, đến nay, Việt Nam đã có tên trên bản đồ xuất khẩu urê và thương hiệu Đạm Phú Mỹ là một điển hình.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch và tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động, thị trường phân bón thế giới trở nên khan hàng, sốt giá chưa từng có. Trong bối cảnh đó, PVFCCo vẫn đảm bảo sản xuất ổn định, hiệu quả; cung cấp nguồn phân bón chất lượng dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu, góp phần tích cực tạo sự ổn định thị trường trong nước trước những biến động lớn của thị trường thế giới.
Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, PVFCCo là doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng nông dân Việt. Trong các năm qua, PVFCCo đã dành hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội. Đã có hàng vạn căn nhà tình nghĩa, hàng trăm công trình y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông được dựng xây trên khắp các vùng nông thôn và hàng chục vạn mảnh đời khó khăn đã được giúp đỡ từ tinh thần “Trách nhiệm – Sẻ chia” của PVFCCo.
Những thành quả mà PVFCCo đã tạo dựng trong các năm qua đã khẳng định được vai trò, vị trí của PVFCCo trong Petrovietnam, trong nền kinh tế đất nước, được Đảng, Chính phủ ghi nhận, biểu dương, được nông dân tin yêu.
“Hạt ngọc mùa vàng” - Phân bón Cà Mau
Năm 2011, nơi cực Nam của Tổ quốc, Nhà máy Đạm Cà Mau – mảnh ghép cuối cùng của Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau chính thức đi vào hoạt động, công suất thiết kế 800.000 tấn/năm với sản phẩm ure hạt đục hiện đại. Đây là một dự án lớn, quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra sự chủ động cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng, vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Đến năm 2020, Đạm Cà Mau chính thức mở rộng thương hiệu thành Phân bón Cà Mau như lời khẳng định về sứ mệnh cung cấp bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng. Ngoài Ure hạt đục, đến nay, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của thị trường, điển hình là N.Humate+TE và N46.Plus. Đặc biệt là Phân xưởng NPK Cà Mau đã và đang cung cấp cho nông dân 300.000 tấn phân bón NPK mang thương hiệu Phân bón Cà Mau với giá cạnh tranh, góp phần ổn định trên thị trường phân bón.
Đặc biệt là trong những năm qua, với chủ trương “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, PVCFC đã luôn đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được thông suốt, vượt kế hoạch đề ra. Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất trung bình lũy kế đạt 110 - 115% so với thiết kế. Thời gian qua, nhà máy cũng đã tích cực triển khai các chương trình/đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả sản xuất urê và NPK; được nhà bản quyền Haldor Topsoe công nhận Top Các nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất về công suất trung bình theo năm và Top 10% các Nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất.
Thời gian qua, trước bối cảnh bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh, ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau luôn tìm kiếm những giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân. Điển hình là thông qua các chương trình bỏ phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý…
Không chỉ đồng hành cùng bà con nông dân trong nước, PVCFC đã và đang vươn xa tới nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là các quốc gia khó tính như Ấn Độ, Thái Lan, Brazil,… Đối với Campuchia, có đến 40% thị phần phân urê mà nước này đang sử dụng là do Phân bón Cà Mau cung cấp, tương đương với trên 100.000 tấn mỗi năm.
Bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PVCFC còn là doanh nghiệp nổi bật trong việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng. Đây cũng là một trong những chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện với bà con nông dân mà PVCFC đang thực hiện rất hiệu quả trong những năm qua. Đến nay, sau 11 năm hoạt động, PVCFC đã trích gần 400 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nhất là dành cho tỉnh cực Nam Tổ quốc.
Đặc biệt, đó là Quỹ học bổng “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” thực thi sứ mệnh và trách nhiệm với cộng đồng, vun đắp những mầm xanh cho Cà Mau nói riêng, đất nước nói chung.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động nhưng PVCFC trong giông bão càng vững vàng vươn lên như hình ảnh cây đước, cây tràm Nam Bộ. Sau 11 năm phát triển, PVCFC đã đạt những thành tựu đáng tự hào, góp phần tích cực vào giữ vững an ninh nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cực Nam Tổ quốc nói riêng và cả nước nói chung.