Biển đảo

Phân bổ hợp lý, hài hòa không gian biển

Minh Vũ - Đức Cảnh - Đà Hải - Đình Tiệp (lược ghi) 01/06/2023 - 12:31

(TN&MT) - Thế kỷ XXI được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch không gian biển.

Để phát huy hiệu quả và bền vững các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ biển cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước tình hình mới của đất nước, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập Quy hoạch không gian biển Quốc gia “Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, làm cơ sở cho quản lý phát triển bền vững vùng biển, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh,

Quy hoạch không gian biển đảm bảo phát triển bền vững

Thưc hiện nhiệm vụ được giao, sau thời gian dài lấy ý kiến các địa phương, học hỏi kinh nghiệm trong nước, quốc tế và chuyên gia, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) với việc hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn trong quản lý, sử dụng biển, đất đai ven biển, hải đảo của Đảng và Nhà nước nêu trong các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đột phá của quy hoạch: Hoàn thiện khung khổ pháp lý thống nhất, hiện đại trong quản lý, khai thác và sử dụng biển; Cải thiện vượt bậc hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển và trên các đảo, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có đủ khả năng sẵn sàng ứng phó các thảm họa, sự cố về môi trường vùng ven biển và biển; Thực hiện lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo mở rộng thêm không gian phát triển nhưng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường, quốc phòng - an ninh.

Theo đó, Dự thảo Quy hoạch được xây dựng đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phân bổ hợp lý tài nguyên môi trường biển, đất đai ven biển, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với việc khai thác toàn diện các ngành nghề biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Quy hoạch hướng đến mục tiêu quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích bảo tồn biển hướng tới mục tiêu 6,0%14 diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển; hạn chế, giảm thiểu tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở, bồi tụ bờ biển; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương

Tổ chức, bố trí không gian biển bảo đảm thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; kiên trì xây dựng và duy trì môi trường ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển và hải đảo.

Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thiện việc phân bổ không gian biển nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được sử dụng hiệu quả, bảo đảm cân đối được yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế biển, mục tiêu thiên niên kỷ về biển, văn hóa, quốc phòng an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên; đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hoàn thành mục tiêu Việt Nam là quốc gia giàu mạnh về biển.

Định hướng giải quyết những vùng chồng lấn

Dự thảo Quy hoạch đã đề cập chi tiết đến nguyên tắc xử lý các khu vực chồng lấn trong sử dụng biển, một vấn đề đang vướng mắc hiện nay. Theo đó, thứ tự ưu tiên có thể được thay đổi tùy theo định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước cho từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết mâu thuẫn sử dụng dựa trên các quy định sử dụng, nêu rõ hoạt động nào được phép, không được phép hoặc hạn chế, được xây dựng trên cơ sở phân tích tính tương thích giữa các hoạt động sử dụng trong một vùng với nhau và với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái của vùng đó.

10-11.jpg
Biển Cửa Lò (Nghệ An)

Ví dụ như, nếu chồng lấn giữa vùng cho mục đích sử dụng đặc biệt với vùng cấm khai thác: Vùng chồng lấn giữa vùng dành riêng cho quốc phòng với các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển được chuyển thành vùng dành riêng cho quốc phòng

Nếu chồng lấn giữa vùng cho mục đích sử dụng đặc biệt với vùng khai thác có điều kiện: Vùng chồng lấn giữa vùng dành riêng cho quốc phòng với khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được chuyển thành vùng dành riêng cho quốc phòng.

Chồng lấn giữa vùng cho mục đích sử dụng đặc biệt với vùng khuyến khích phát triển: Vùng chồng lấn giữa vùng dành riêng cho quốc phòng với các vùng ưu tiên cho phát triển du lịch, cảng biển, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, nuôi trồng, khai thác thủy sản trên biển và phát triển điện gió được chuyển thành vùng dành riêng cho quốc phòng.

Chồng lấn giữa vùng cấm khai thác với vùng khuyến khích phát triển: Vùng chồng lấn giữa phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển với các vùng ưu tiên cho phát triển du lịch, cảng biển, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, nuôi trồng, khai thác thủy sản trên biển và phát triển điện gió được chuyển thành vùng cấm khai thác tương ứng.

Chồng lấn giữa vùng cần bảo vệ đặc biệt cho bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái với các vùng khuyến khích phát triển: - Vùng chồng lấn giữa phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm của khu bảo tồn biển với vùng ưu tiên phát triển du lịch chuyển thành vùng cần bảo vệ đặc biệt cho bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái; - Vùng chồng lấn giữa các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu cư trú, thả rạn nhân tạo và vùng bảo vệ nguồn giống thủy sản tiềm năng với vùng ưu tiên phát triển du lịch được chuyển thành vùng ưu tiên phát triển du lịch…

Có thể thấy, các nguyên tắc giải quyết vấn đề chồng lấn đều hướng đến mục tiêu hài hòa phát triển kinh tế và bảo tồn, đồng thời đảm bảo cho việc bảo vệ môi trường sinh thái biển. Đây chính là nhân tố cốt lõi để triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia đảm bảo cho mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh, giàu về biển.

Ông Lê Ngọc Huấn - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh:

Cần đảm bảo hài hòa lợi ích, hiệu quả và phát triển biển bền vững

10-11-1-.jpg

Biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ của Vịnh Bắc Bộ, tuyến giao thông biển huyết mạch của các tỉnh phía Bắc như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng thông thương với các tỉnh phía Nam và thế giới. Vùng biển với chiều dài bờ biển 137km, có bốn cửa lạch đổ ra biển, gồm: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu với tổng diện tích các vùng biển (ven bờ, vùng lộng, vùng khơi) 18.400km2 gấp ba diện tích đất liền. Toàn tỉnh có 30 xã thuộc năm huyện tiếp giáp biển, có 45 xã có tàu cá hoạt động trên biển.

Nguồn tài nguyên thủy sản vùng biển Hà Tĩnh khá phong phú; địa hình thuận lợi cho nuôi trồng thủy hải sản với diện tích tiềm năng lên đến 20.000 ha. Bên cạnh đó, biển Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế và chiến lược an ninh - quốc phòng. Có cảng nước sâu Sơn Dương, Vũng Áng - Kỳ Anh, cảng Xuân Hải - Nghi Xuân; Du lịch có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như biển Thiên Cầm, biển Xuân Thành, biển Đèo Con; Có tài nguyên mỏ sắt Thạch Khê, tiềm năng dầu khí, sa khoáng, kim loại quý.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao như hiện nay cần phải đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy hoạch không gian biển Quốc gia đối với việc phát triển kinh tế biển của Hà Tĩnh là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao giá trị và khả năng đáp ứng của biển, giảm các hệ lụy đối với biển trên cơ sở kết hợp hài hòa giữ lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở đó, có một thực tế dễ nhận thấy hiện nay mật độ tàu thuyền khai thác vùng ven bờ dày đặc, nguồn lợi ven biển bị cạn kiệt, tuy vậy cho đến thời điểm này là chúng ta vẫn chưa có điều tra đánh giá đầy đủ về trữ lượng nguồn lợi biển Việt Nam, đặc biệt vùng ven bờ, điều tra đánh giá về tàu, các loại nghề khai thác trên tàu trên phạm vi toàn quốc. Đây là việc các địa phương cần có, trên cơ sở đó để xây dựng quy hoạch khai thác phù hợp với từng địa phương, đặc biệt quy hoạch về cơ cấu số lượng, chủng loại các tàu, cơ cấu nghề hợp lý ở các vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng xa bờ.

Không những vậy, Hà Tĩnh là địa phương có chiều dài và diện tích biển lớn so với cả nước, có tính đa dạng sinh học biển cao, một số vùng có đối tượng đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao phát triển, như vùng phát triển tôm hùm tự nhiên tại biển Kỳ Xuân; vùng phát triển ốc hương tự nhiên tại Xuân Liên, Xuân Song của Nghi Xuân; Vùng biển xung quanh đảo Sơn Dương. Vì vậy, Hà Tĩnh đề xuất được nghiên cứu, khảo sát để có thể xây dựng khu bảo tồn biển, vùng khai thác thủy sản có thời hạn tại các vùng nói trên.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An:

Quy hoạch không gian biển quốc gia giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, liên vùng, liên quốc gia

10-11-3-.jpg

Quy hoạch không gian biển là quy hoạch cấp quốc gia, phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các bất cập về sử dụng biển để từ đó cân bằng các nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhu cầu bảo vệ môi trường biển, các hệ sinh thái biển; là quá trình phân tích và phân bổ các hoạt động của con người theo không gian và thời gian ở các vùng biển để đạt các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội và sinh thái đặt ra. Quy hoạch không gian biển quốc gia giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, liên vùng, liên quốc gia, bảo đảm là cơ sở cho các quy hoạch cấp dưới triển khai đồng thời tránh trùng lặp về nội dung với các quy hoạch này.

Có Quy hoạch không gian biển cũng sẽ đẩy mạnh liên kết địa phương và vùng (trực tiếp là tiểu vùng Bắc Trung Bộ). Từ đó xây dựng các chính sách liên quan đến biển phù hợp với các văn bản cấp trên, trực tiếp là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên phù hợp với thực tiễn tại địa phương và phù hợp với Nghị quyết 36-NQ/TW Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với xây dựng, phát triển các đô thị biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển của Nghệ An và tiểu vùng Bắc Trung Bộ.

Phát triển toàn diện nguồn nhân lực biển, khoa học, công nghệ gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người vùng ven biển; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại khu vực địa phương được giao biển.

Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ven biển, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển và các doanh nghiệp an tâm đầu tư cho các lĩnh vực biển.

Đẩy mạnh tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về kinh tế biển; huy động nguồn lực, khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.

Nhà báo Nguyễn Cửu Loan - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng:

Cần xác định, đánh giá khu vực vùng bờ biển, hải đảo để định hướng phát triển kinh tế biển bền vững

10-11-2-.jpg

Việc xây dựng và ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ là công cụ quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành mới, giúp tăng thu nhập và tạo việc làm, đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với việc khai thác toàn diện các ngành nghề biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Quản lý biển hiệu quả trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu. Bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững kinh tế biển; giữ gìn được các giá trị, bản sắc văn hóa - lịch sử trên các vùng đất ven biển, vùng biển và hải đảo của Việt Nam, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Dựa trên các quan điểm đó để phát triển kinh tế, TP. Đà Nẵng cần nhận diện, xác định đánh giá khu vực vùng bờ biển, hải đảo, tài nguyên sẵn có đang quản lý để định hướng phát triển kinh tế biển bền vững.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359 và trong mục tiêu phát triển là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Chính vì vậy, với quy hoạch không gian biển lần này ở góc độ địa phương đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý xác định vai trò kinh tế biển trong khung địa lý của mình mang tính liên kết, khớp nối vùng không chồng lấn để đưa ra những định hướng quản lý và khai thác kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để phát triển kinh tế biển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bổ hợp lý, hài hòa không gian biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO