Phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế sau dịch

Theo Chinhphu.vn | 27/09/2021 18:26

Ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc Tọa đàm. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Tập trung khống chế dịch và khôi phục, phát triển kinh tế

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết năm nay do đặc thù của dịch bệnh, việc tổ chức tọa đàm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu trong nước và quốc tế. Các ý kiến là kênh thông tin quý giá để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về KT-XH.

Tọa đàm cũng là dịp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập từ nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nêu một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia, đại diện các tổ chức nước ngoài (WB, ADB, IMF) chia sẻ ý kiến về các diễn biến tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, dự báo năm 2022 và các năm tiếp theo; diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và những tác động tới kinh tế - xã hội của Việt Nam; tình hình trong nước, bối cảnh để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng cuối năm 2021, cả năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung khống chế dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và tạo cơ sở cho việc khôi phục, phát triển kinh tế, đồng thời duy trì, khôi phục hoạt động kinh tế để có năng lực, nguồn lực, điều kiện cho phòng, chống dịch.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

‘Không thể lạc quan một chiều’

Phát biểu kết luận cuộc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các ý kiến, đề xuất tại tọa đàm là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức các báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Đây cũng là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu và triển khai các công việc thuộc thẩm quyền để cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị sớm đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay.

Tin tưởng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Với sự chung sức đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức.

Theo Chủ tịch Quốc hội, triển vọng kinh tế toàn cầu đang có sự phân hóa sâu sắc. Nhóm các nước phục hồi mạnh là những nước phát triển, chủ động được nguồn cung vaccine, đã đạt được miễn dịch cộng đồng và có tiềm lực kinh tế để thực hiện các gói chính sách hỗ trợ quy mô lớn, có những nước đã thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” cả về tài chính và tiền tệ. Nhóm thứ hai là các nước phục hồi chậm, có thể đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch COVID -19, chủ yếu là các nước đang phát triển, các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, do chưa chủ động được vaccine, quy mô, thực lực của nền kinh tế còn hạn chế. Thực tế này cho thấy phải đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế chia sẻ vaccine công bằng, bình đẳng trên phạm vi toàn cầu, chú ý tới các nước nghèo hơn, khó khăn hơn.

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia nêu tại tọa đàm là nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong dài hạn. Đây là rủi ro kép. Thứ nhất, chiến lược vaccine trên toàn cầu chậm hơn dự kiến và độ bao phủ không đồng đều. Thứ hai, chính sách tài khóa, tiền tệ có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước phát triển thắt chặt các chính sách này nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro gia tăng lạm phát do áp dụng chính sách “siêu nới lỏng”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ phải tính toán rất kỹ vì khi chúng ta bắt đầu phục hồi được thì các nước phát triển có thể đã thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn vĩ mô. Nếu tăng trưởng kinh tế của các đối tác chiến lược, thành viên các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… chững lại hoặc suy giảm sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của Việt Nam. Do đó, “không thể lạc quan một chiều” mà phải có đánh giá, dự báo để có chính sách phù hợp.

Các chuyên gia quốc tế tham dự cuộc Tọa đàm. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Cần một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các chuyên gia về việc phải tập trung đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiệt hại về kinh tế, xã hội. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các giải pháp kiểm soát dịch bệnh cũng phải tiết kiệm, hiệu quả. Vẫn cần tiếp tục giãn cách và có hạn chế di chuyển nhưng phải thông minh hơn, áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động. Đây là vấn đề liên quan đến quản trị quốc gia, phân quyền, ủy quyền, liên kết vùng, tức là phải thay đổi về cách thức và sách lược.

Cùng với đó, cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp… Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp này.

Về giải pháp liên quan đến đầu tư công mà các chuyên gia nhấn mạnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng muốn giải ngân đầu tư công hiệu quả thì trước hết phải chuẩn bị tốt đầu tư công, thực hiện giao vốn, đây là vấn đề quan trọng cho giai đoạn tới. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn để tăng thu ngân sách và thu hút được nhiều nhà đầu tư để tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn. Các chuyên gia cũng khuyến nghị tăng cường chính sách trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp các nhóm dễ tổn thương để làm chậm lại cũng như khắc phục sự gia tăng của tình trạng bất bình đẳng xã hội do tác động của dịch COVID–19.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí đề xuất của các chuyên gia về sự cần thiết phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp. Trong đó, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chuyển sang tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế; rà soát tăng cường năng lực quản trị quốc gia và năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao khuyến nghị của các chuyên gia về việc Quốc hội cần tăng cường hơn nữa năng lực hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới… Tăng cường giải trình tại các ủy ban của Quốc hội để đồng hành hiệu quả nhất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Tăng cường giám sát để bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình ban hành chính sách và thực thi chính sách; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổ Thường trực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phòng, chống COVID -19 để hoàn thiện thể chế, kiến tạo phát triển trong giai đoạn đặc biệt hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế sau dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO