PV: Thưa ông, trong năm qua mặc dù thiên tai diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể so với các năm trước. Đó là nhờ công tác dự báo đã chuyển từ bị động sang chủ động. Để có được kết quả này, ngành KTTV đã có những nỗ lực như thế nào?
PGS.TS Trần Hồng Thái: Năm 2018, Tổng cục KTTV đã tiếp tục tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thi hành pháp luật KTTV cho các tỉnh, thành phố; xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về KTTV; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về KTTV.
Đồng thời, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn và công tác quản lý nhà nước các hoạt động nghiệp vụ như dự báo, cảnh báo KTTV. Duy trì hoạt động ổn định mạng lưới trạm quan trắc và hệ thống thông tin, dữ liệu KTTV quốc gia, từng bước kết nối, quản lý hoạt động mạng lưới KTTV chuyên dùng của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân phục vụ cho hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức KTTV, chủ động cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ chỉ đạo phòng tránh thiên tai và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương.
Nhờ đó, trong năm qua đã dự báo, cảnh báo KTTV đã đạt độ tin cậy cao đối với 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới cùng hàng chục đợt không khí lạnh; nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng, thiên tai lũ, lũ quét và sạt lở đất trên phạm vi cả nước, trong đó đã chú trọng cảnh báo sớm và chi tiết hóa các bản tin cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cùng với sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền, nhân dân, ngành KTTV đã góp phần quan trọng làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 và các năm trước đó.
Đáng chú ý, sau khi tổ chức thành công Hội nghị của Uỷ ban Bão quốc tế tại Hà Nội và triển khai hiệu quả hoạt động của Trung tâm dự báo khu vực và tổ chức các hoạt động hỗ trợ các nước Đông Nam Á (nhất là Lào và Cam Pu Chia) trong cảnh báo thời tiết nguy hiểm, uy tín của Ngành KTTV Việt Nam đối với quốc tế ngày càng được nâng cao.
PV:Để có được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, bên cạnh thuận lợi, ngành KTTV phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Hồng Thái: Trước hết, về tổ chức bộ máy, hệ thống quản lý nhà nước trong ngành KTTV từ Trung ương đến địa phương là rất mỏng. Hiện nay, ở mỗi các Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có một phòng, hoặc một bộ phận nằm trong phòng, hoặc Chi cục Biển và Hải đảo phụ trách chung các lĩnh vực KTTV, Tài nguyên nước, Địa chất khoáng sản và Biến đổi khí hậu... Đôi khi, một số địa phương còn chưa chú trọng nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống thiên tai KTTV như những thông tư hướng dẫn, quy trình, quy phạm… Do đó, về cơ bản công tác quản lý nhà nước về KTTV ở cấp địa phương bị bỏ trống.
Cùng với đó, mạng lưới quan trắc còn mỏng, công nghệ dự báo chưa đồng bộ so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay chúng ta gần như không có mạng lưới quan trắc trên biển.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, họ đã thực hiện việc kết nối vạn vật để khai thác triệt để thông tin KTTV với các thông tin khác trong thành phố thông minh để phục vụ cho phát triển các ngành nông nghiệp, trong điều hành của ngành điện, du lịch và đời sống dân sinh… mang lại nguồn lực rất lớn, tạo ra giá trị gia tăng và quay lại tái đầu tư trong ngành KTTV. Tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề này chưa được các Bộ ngành quan tâm. Do vậy, theo tôi, chúng ta cần tạo cơ chế chính sách và khuyến khích các Bộ, Ngành, Doanh nghiệp sử dụng thông tin KTTV để biến cái đơn thuần là bán số liệu KTTV sang một hình dạng mới là tạo ra giá trị gia tăng từ dịch vụ thời tiết của ngành KTTV.
Một khó khăn nữa, tôi cho rằng đó chính là câu chuyện phối hợp và sử dụng thông tin dự báo thời tiết để phục vụ phòng chống thiên tai. Những thiên tai xảy ra vừa qua ở các tỉnh miền núi là đều do hậu quả của bão lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Các thiên tai này đều diễn ra ở phạm vi cực hẹp, có đô thị chỉ ở trong phạm vi 1000m2. Việc dự báo các thiên tai ở phạm vi hẹp là điều rất khó khăn trong khả năng của khoa học và điều kiện của ta. Muốn dự báo được, ngoài những thông tin như mưa, gió, ẩm, áp phải có thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư… Do vây, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; Trung ương phải đưa ra những thông tin nền, chỉ dẫn cho địa phương nhận dạng được những biểu hiện, khả năng của lũ quét, sạt lở đất; địa phương phải khai thác triệt để hệ thống phòng chống thiên tai, có thông tin hai chiều kịp thời từ địa bàn có nguy cơ cao và chính những người dân trong cộng đồng.
Hiện nay, Bộ TN&MT, ngành KTTV, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã có những khoanh vùng nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chính quyền địa phương cũng đã thuyết phục người dân, thậm chí có những nơi cắt điện, nước để người dân di dời; thế nhưng vì nhiều lý do đặc biệt là phong tục tập quán và ý thức chủ quan nên việc di dời người dân đến nơi an toàn ở các địa phương khi có cảnh báo cấp bách vẫn chưa làm được một cách triệt để. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai.
PV: Trước những thách thức như vậy, Tổng cục KTTV có những kiến nghị gì với Chính phủ để có thể nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV đối với sự nghiệp phòng chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước thưa ông?
PGS.TS Trần Hồng Thái: Mong muốn lớn nhất là trong thời gian tới, Chính phủ xem xét để tạo ra ngành công nghiệp dịch vụ KTTV, xã hội hóa ngành KTTV, khi đó doanh nghiệp làm nhiệm vụ quan trắc và chúng ta đưa ra tiêu chí quản lý khai thác sử dụng...
Ngành KTTV sẵn sàng trở thành đơn vị thí điểm của Chính phủ về tăng tính tự chủ, qua việc xã hội hóa công tác KTTV, kinh tế hóa ngành để tạo ra những nguồn dịch vụ, giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên số KTTV, tạo ra ngành công nghiệp KTTV để tăng hiệu quả đầu tư.
Đề nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn lực cho các hoạt động KTTV quan trọng, ưu tiên cho đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia; tăng mật độ trạm đo, điểm đo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kiện toàn hệ thống Ra đa thời tiết, đặc biệt là đối với nguồn số liệu khí tượng, hải văn trên biển, đảo; Xây dựng mạng thông tin chuyên ngành hiện đại, đảm bảo thông suốt, chủ động trong mọi tình huống để kịp thời xử lý thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai.
Mặt khác, Chính phủ tạo điều kiện để KTTV trở thành ngành hội nhập quốc tế, qua đó nâng cao vai trò Việt Nam. Rất mong có một chính sách nào đó để Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các tổ chức hợp tác quốc tế. Đồng thời, có cơ chế tổng thể hơn để đề xuất nhiệm vụ mang tính chất sử dụng được ngay, bám sát quốc tế. Muốn làm được điều này, một mặt cần tổ chức bộ máy, mặt khác mời các chuyên gia quốc tế tham vấn trực tiếp. Tổng Cục KTTV đã làm việc với Nhật Bản, Hàn Quốc, họ sẵn sàng cử những chuyên gia hàng đầu đến Việt Nam; nhưng cơ chế để thực hiện mời chuyên gia quốc tế, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TN&TM trong việc phối hợp giữa nguồn lực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp hợp tác quốc tế và sự nghiệp khoa học công nghệ.
PV:Năm 2019, quyết tâm của Chính phủ là “tăng tốc, bứt phá” trong mọi lĩnh vực. Vậy thì, ngành KTTV sẽ đưa ra thông điệp gì cho toàn ngành để hành động và bứt phá, thưa ông?
PGS.TS Trần Hồng Thái:Thứ nhất, toàn ngành sẽ phát huy hết sức trách nhiệm, huy động toàn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị đầu tiên; đó là dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy các hiện tượng thời tiết cực đoan để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân; góp phần phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực; đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước
Thứ hai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV để làm sao tăng tính tự chủ của ngành, giảm sự phụ thuộc kinh phí Nhà nước đầu tư cho ngành KTTV để tăng cường hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, ngành KTTV sẽ tập trung vào hai mục tiêu chính của ngành về công tác chuyên môn. Cụ thể, đi kèm với việc tăng cường mạng lưới quan trắc (cố gắng bổ sung mạng lưới quan trắc biển, quan trắc ở các nước trong vùng sông Mê Công), sẽ xây dựng, tăng cường chất lượng hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo để bắt kịp với quốc tế. Cùng với đó, đưa ra những phương án cụ thể để trong năm 2019, 2020 sẽ từng bước cảnh báo đủ độ chi tiết, tin cậy với những thiên tai có quy mô hẹp và nguy hiểm như lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!