PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội: Đến năm 2020, 100% người dân Hà Nội được sử dụng nước sạch

28/08/2017 00:00

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, để tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch đạt 95% - 100%; thất thu, thất thoát nước sạch giảm dưới 18%... Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An.

Chất lượng nước sạch chưa đồng đều

- Được biết, vào cao điểm nắng nóng, khu vực đô thị Hà Nội thiếu 60.000 - 90.000m3 nước sạch/ngày - đêm. Chưa kể, hệ thống cấp nước sông Đà tiềm ẩn nguy cơ sự cố, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn khách hàng. Thực trạng hệ thống cấp nước đô thị trên địa bàn Hà Nội hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Hiện hệ thống cấp nước tập trung của Hà Nội được giao cho 4 đơn vị là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) và Công ty cổ phần Nước sạch Sơn Tây. Ngoài ra còn có Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex là đơn vị sản xuất, cung ứng nguồn nước mặt từ Nhà máy Nước sông Đà.

Trong 4 đơn vị phân phối nước, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội quản lý, vận hành 12 nhà máy nước tập trung và 16 trạm cấp nước cục bộ, khai thác nguồn nước ngầm, cung ứng cho 10 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm, một phần Thanh Xuân, Hoàng Mai và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì; với khoảng 668.900 khách hàng (tương đương 800.000 hộ gia đình, 3,2 triệu người). Hiện, công ty tự sản xuất khoảng 617.600m3 nước sạch/ngày - đêm và sử dụng khoảng 14.383m3/ngày - đêm từ nguồn nước sông Đà.

Đơn vị cung ứng nước lớn thứ 2 là Công ty Viwaco, sử dụng hơn 161.000 m3/ngày - đêm từ nguồn nước sông Đà và tự sản xuất khoảng 6.000m3/ngày - đêm, cung ứng nước sạch cho khoảng 127.000 khách hàng (tương đương 170.000 hộ gia đình, 680.000 người), thuộc khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Tiếp đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cung ứng khoảng 90.000m3/ngày - đêm (trong đó sử dụng nguồn nước sạch sông Đà khoảng 30.629m3/ngày - đêm) cho 125.000 khách hàng (tương đương 150.000 hộ gia đình) thuộc khu vực quận Hà Đông và một phần Nam Từ Liêm, một số xã thuộc huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên. Còn Công ty cổ phần Nước sạch Sơn Tây cung ứng khoảng 30.000m3/ngày - đêm, cho khoảng 28.000 khách hàng thuộc khu vực thị xã Sơn Tây.

Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex là đơn vị vận hành Nhà máy Nước sông Đà, với công suất trung bình khoảng 220.000m3/ngày - đêm, bán buôn cho các đơn vị cấp nước, trong đó nhiều nhất là Công ty Viwaco. Nhìn chung, tại khu vực đô thị tỷ lệ các hộ dân được cấp nước sạch đạt khoảng 98%. Tỷ lệ nước thất thoát, thất thu chung trên hệ thống hiện nay khoảng 21,5%.

- Còn khu vực ngoại thành thì sao, thưa ông?

- Khu vực nông thôn gồm 416 đơn vị hành chính cấp xã, với tổng dân số hơn 4,3 triệu người, trong đó số dân được sử dụng nước sạch hơn 1,6 triệu người (tỷ lệ 37,2%), bao gồm cả một số xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Oai, Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì... được cấp từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, nước của một số trạm cấp nước nông thôn chưa thực sự bảo đảm chất lượng do công nghệ xử lý lạc hậu; chất lượng nước nguồn suy giảm, có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng; công tác duy tu, duy trì không thực hiện thường xuyên...

Huy động mọi nguồn lực đầu tư

- Để giải quyết những tồn tại, mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND, ngày 23-6-2017 về cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Xin ông cho biết những mục tiêu cụ thể của kế hoạch này?

- Theo Kế hoạch 148/KH-UBND, mục tiêu chính là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, đến năm 2020 phấn đấu tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch đạt 95% - 100%. Đối với khu vực nông thôn đến năm 2020 phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch với chất lượng bảo đảm đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ nước thất thoát, thất thu bình quân toàn thành phố đến năm 2020 dưới 18%. Phấn đấu phát triển hệ thống cấp nước nông thôn từ nguồn tập trung của thành phố cho 235 xã, khoảng 2,2 triệu người (tương đương 551.445 hộ); xây dựng hệ thống cấp nước mô hình cục bộ thôn, liên thôn, xã, liên xã với công nghệ xử lý nước tiên tiến cho khoảng 513.571 người (tương đương 128.392 hộ) thuộc các khu vực khó khăn Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, chưa có điều kiện kết nối hệ thống cấp nước tập trung. Chủ trương của thành phố là xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn. UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm 10 nhà đầu tư thực hiện 20 dự án cấp nước cho khu vực nông thôn, với phạm vi cấp nước cho 75 xã, khoảng 180.828 hộ, 729.312 người.

Đối với việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước từ nguồn nước tập trung, thành phố sẽ xây dựng tuyến truyền dẫn nước sạch số 2 sông Đà; đường ống truyền dẫn dọc các trục quốc lộ 32, 21, 21B, đường nối Phúc Thọ - Chúc Sơn, đường Vành đai 4...; đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước phân phối, dịch vụ cho toàn bộ các xã sử dụng nguồn từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố và các trạm bơm tăng áp Tây Mỗ, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Phúc Thọ, Kim Bài, Chúc Sơn, Ba Vì.

Để phát triển mạng lưới cấp nước tập trung và hệ thống cấp nước khu vực nông thôn, thành phố khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực phát triển mạng lưới cấp nước đồng bộ; ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế và tiến tới ngừng khai thác nước ngầm. Thành phố đã kết nối, giới thiệu ngân hàng cho vay vốn lãi suất ưu đãi cho các nhà đầu tư dự án cấp nước sạch đô thị, nông thôn và cam kết cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, bảo đảm thông thoáng, nhanh gọn.

- Cùng với hệ thống cung ứng nước, nguồn cấp nước sẽ được đầu tư thế nào để bảo đảm tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch như mục tiêu đặt ra?

- Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nước ngầm Dương Nội (Hà Đông) công suất 30.000m3/ngày - đêm dự kiến hoàn thành tháng 11-2017. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 150.000m3/ngày - đêm, dự kiến hoàn thành đầu quý II-2018.

Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày - đêm; dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống công suất 300.000m3/ngày - đêm; tuyến đường ống truyền dẫn nước sông Đà số 2 và nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà lên 600.000m3/ngày - đêm, dự kiến hoàn thành trước năm 2020.

Cùng với đó, thành phố đang kêu gọi hợp tác đầu tư các dự án phát triển nguồn, như Nhà máy Nước Xuân Mai 600.000m3/ngày - đêm, Nhà máy Nước Quan Sơn 20.000m3/ngày - đêm, Nhà máy Nước Ba Vì 60.000m3/ngày - đêm…

- Các dự án đang được đầu tư phải sau một thời gian nữa mới hoàn thành. Vậy, biện pháp nào để khắc phục tình trạng mất nước cục bộ tại một số khu vực?

- Với các nhà máy xử lý nước ngầm hiện nay, thành phố yêu cầu các đơn vị vận hành chủ động kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị để bảo đảm đạt công suất quy định, trong trường hợp có sự cố phải tập trung khắc phục kịp thời trong thời gian 24 giờ; xây dựng chế độ vận hành tối ưu bảo đảm chất lượng nước, năng lực cấp nước để nâng cao mức độ dịch vụ trên toàn hệ thống, khắc phục và thu hẹp các điểm thiếu nước cục bộ.

Bộ phận quản lý - vận hành hệ thống mạng khi phát hiện sự cố phải nhanh chóng báo cho đơn vị cấp nước. Các đơn vị cấp nước phụ trách địa bàn cử cán bộ kỹ thuật, xác định nguyên nhân sự cố, đề ra giải pháp khắc phục. Khi xảy ra sự cố về nhà máy, mạng truyền dẫn, mất điện kéo dài dẫn đến mất nước trên diện rộng sẽ thông báo cho đơn vị cung cấp, phân phối biết, phối hợp trong công tác vận hành hòa mạng (nếu mất nguồn) và thông báo cho chính quyền sở tại, nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng; tiến hành cấp nước theo giờ, hoặc cấp bằng xe stec. Chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, xe máy, nhân lực, vật tư để sửa chữa trong thời gian nhanh nhất (tối đa không quá 12 giờ đối với mạng dịch vụ và 24 giờ đối với ống phân phối và truyền tải).

Các đơn vị cung cấp phải kiểm tra thường xuyên những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố trong nhà máy, trên mạng truyền dẫn, phân phối, giếng nước ngầm, nguồn nước thô...; lập hồ sơ “điểm đen” về cấp nước, như cuối nguồn, thiếu hệ thống phân phối...

Vấn đề nữa là các nhà máy cần chủ động phối hợp với điện lực các quận, huyện để bảo đảm cung ứng điện ổn định phục vụ sản xuất và cấp nước. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong khu vực nhà máy.Thành phố đã yêu cầu các công ty cấp nước xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị, bổ sung công nghệ, nâng cao chất lượng nước, bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sử dụng và hoàn thành trước năm 2020. Đồng thời, rà soát ngừng hoạt động các trạm cấp nước cục bộ và chuyển thành trạm bơm tăng áp sau khi các nhà máy nước mặt theo quy hoạch được đầu tư xây dựng.

Đến năm 2020, khi các dự án phát triển nguồn hoàn thành, nâng công suất hệ thống cấp nước Hà Nội lên khoảng 2.000.000m3/ngày - đêm, cùng với việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch với cùng một tiêu chuẩn nước đô thị sẽ đạt khoảng 100%.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo HNMO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội: Đến năm 2020, 100% người dân Hà Nội được sử dụng nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO