Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam: Trụ cột góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Kông Nguyên 02/09/2023 - 09:50

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng hướng đến nền kinh tế ít phát thải, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không chỉ thể hiện vai trò tập trụ cột của nền kinh tế quốc dân mà còn đi đầu trong bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

img_8290.jpeg
Các kỹ sư, người lao động trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh xếp hình chào mừng ngày thành lập Petrovietnam (3/9).

Khởi sắc nhờ công nghiệp dầu khí

Kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986 đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã khai thác được khoảng 420 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 170 tỷ m3 khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Với hơn 100 hợp đồng dầu khí đã được ký kết kể từ năm 1981 (trong đó hiện còn 51 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực), hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong hành trình xây dựng và phát triển, Petrovietnam - Doanh nghiệp nòng cốt của ngành Dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí; trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, đồng thời đào tạo được đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Dầu khí hùng hậu có trình độ cao. Giai đoạn 2006 - 2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước.

img_8291.jpeg
Người lao động trên giàn khoan dầu khí.

Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hàng năm Petrovietnam cung cấp gần 9 - 11 tỷ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 - 80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Petrovietnam cũng là đơn vị đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đến nay đạt 4.214 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam từ khi chính thức đưa vào vận hành sản xuất đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, có thể thấy ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ và là ngành có nhiều đóng góp ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Không có gì ngạc nhiên khi điểm lại hàng chục dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2…

img_8289.jpeg
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Khẳng định rằng, công nghiệp dầu khí triển khai ở đâu thì nơi đó đều có kết quả phát triển kinh tế khởi sắc.

Tại Quảng Ngãi, GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm hơn 90%. Ở vùng cực Nam của Tổ quốc, cùng với việc đóng góp hàng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với công suất thiết kế 1.500 MW, đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau… có vai trò quyết định phát triển kinh tế của vùng cực Nam này. Một vùng thuần nông xưa, nay trở thành một vùng nuôi trồng thủy sản trù phú, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu USD ra thị trường thế giới. Ngay cả tại một thành phố lớn như Hải Phòng cũng có dấu ấn của ngành Dầu khí, với việc cung cấp nguyên nhiên liệu đầu vào cho việc phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp, đồng thời đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho thu ngân sách địa phương hằng năm….

4 lĩnh vực chuyển dịch năng lượng

Ngành năng lượng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững đất nước, nhất là thực hiện cam kết trung hòa cacbon vào năm 2050. Với vai trò là tập đoàn năng lượng lớn của cả nước, Petrovietnam có trách nhiệm cùng Chính phủ vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

Petrovietnam thực hiện chuyển dịch năng lượng, “xanh hóa” trên cả 4 lĩnh vực: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.

img_8292.jpeg
Giàn Tam Đảo 05 và giàn Tam Đảo 03 ở mỏ Bạch Hổ.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, Petrovietnam sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, phi truyền thống như: khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than, hydro, nguồn địa nhiệt... Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao trong nước để có thể nhận lợi ích đồng thời từ việc sử dụng nguồn hydrocarbon và CO2 nhằm giảm phát thải khí nhà kính; song song với việc ứng dụng các giải pháp thu hồi, giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường, nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.

Đối với lĩnh vực công nghiệp khí, bảo đảm thu gom tối đa sản lượng khí của các lô, mỏ khai thác tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa đốt bỏ khí; phấn đấu trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi LNG, trong đó xem xét ưu tiên đầu tư hạ tầng đi trước. Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm từ khí; phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí tự nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, ưu tiên sử dụng nguồn khí giá rẻ trong nước để phát triển các dự án hóa dầu.

img_8288.jpeg
Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải

Tại lĩnh vực công nghiệp điện, bên cạnh việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả và giải pháp nhằm xanh hóa các nhà máy điện, Petrovietnam sẽ ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu; tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các công trình trên biển. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8.000 - 14.000 MW, trong đó nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 5 - 10% tổng công suất của Petrovietnam và đạt 8 - 10% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam; trong đó, công suất nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 10 - 20% tổng công suất của Petrovietnam trong giai đoạn 2031 - 2045.

Trong lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên liệu, vật liệu để phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm cách thức cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo xu hướng thay đổi của thị trường cũng như đáp ứng các chỉ số an toàn toàn môi trường theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, Petrovietnam cũng sẽ tiến tới nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo, tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.

Tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2022 của Petrovietnam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, trong giai đoạn phát triển mới, Petrovietnam cần tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn, dịch chuyển mô hình, tăng năng suất lao động; tái tạo kinh doanh… Đây là mục tiêu cũng là trách nhiệm đặt ra đối với tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước. Bằng "khát vọng, trí tuệ, chuyên nghiệp, nghĩa tình", Petrovietnam sẵn sàng đương đầu với những thử thách, tìm kiếm cơ hội, khẳng định vị thế của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam: Trụ cột góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO