Petrovietnam: Nỗ lực khôi phục sản xuất nhà máy xơ sợi VNPoly
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng vừa chủ trì cuộc họp giao ban cùng Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) để rà soát tình hình triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, khôi phục sản xuất của Nhà máy Xơ sợi Việt Nam.
Theo báo cáo tóm tắt của VNPoly, 4 tháng đầu năm 2023, Nhà máy Xơ sợi Việt Nam sản xuất được 1.628 tấn sợi các loại, đạt 64% kế hoạch sản xuất năm 2023. Doanh thu đạt 45 tỷ đồng. Chất lượng sợi luôn ổn định theo đúng đơn đặt hàng của các đối tác.
Về công tác tìm kiếm đối tác, hợp tác sản xuất xơ PSF, cho đến nay VNPoly đã làm việc cùng 5 đơn vị. Xây dựng 2 phương án hợp tác gồm hợp tác sản xuất với sự tham dự của bên thứ 3 bảo lãnh tài chính và phương thức bán cổ phần cho đối tác cùng sản xuất PSF. Mặt khác, VNPoly cũng làm việc cùng một đối tác đến từ Nhật Bản để sản xuất hạt nhựa Petchip. Đặc biệt, công ty cũng phối hợp cùng VPI làm việc cùng các nhà sản xuất thiết bị bản quyền Nhà máy xơ sợi Việt Nam để xây dựng lộ trình cải tiến, cải tạo, nâng cao hiệu quả công nghệ sản xuất xơ sợi polyester.
VNPoly cũng đã hoàn thiện phương án tài chính gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh, trình lãnh đạo Tập đoàn, cổ đông PVFCCo xem xét, chuẩn bị làm việc cùng Ngân hàng PVcomBank để thực hiện phương án giải phóng các khoản nợ ngắn hạn.
Hiện nay, VNPoly vẫn đang tích cực xử lý một số vướng mắc về thủ tục quyết toán dự án Nhà máy Xơ sợi Việt Nam, dự án xây dựng khu nhà ở cán bộ công nhân viên và xử lý tài sản tại PVTex Kinh Bắc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Thương mại Dịch vụ Petrovietnam Phạm Đăng An cho biết, tình hình thị trường thế giới đang có chiều hướng xấu khi nhu cầu giảm mạnh kéo theo giá xơ sợi tổng hợp, giá bông trên thế giới giảm theo. Ban Thương mại - Dịch vụ đã và đang phối hợp VPI khảo sát thị trường trong nước cho thấy thị trường đang có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm 2023.
Về việc cải hoán, cải tiến công nghệ sản xuất của Nhà máy Xơ sợi Việt Nam, theo Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức, có nhiều phương án cải hoán cải tạo công nghệ cùng các mức chi phí triển khai khác nhau. Trong đó, đáng chú ý có 2 phương án gồm cải hoán sản xuất chất dẻo phục vụ ngành công nghiệp ô tô (nội thất) có nhu cầu khoảng 100 nghìn tấn/năm và sẽ tăng cao trong thời gian tới. Để cải hoán công nghệ cần đầu tư khoảng 200 triệu USD. Phương án thứ hai là chuyển sang sản xuất chai nhựa tái sinh cung cấp cho các hãng sản xuất nước ngọt tại Việt Nam có chi phí đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Góp ý tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu cho rằng cần phải nghiêm túc xác định tham gia phân khúc nào tại thị trường xơ sợi trong nước. Đặc biệt lưu ý, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế, có sức cạnh tranh và ảnh hưởng ngày càng cao đến thị trường Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT PVcomBank Nguyễn Đình Lâm cam kết hỗ trợ VNPoly làm rõ các vấn đề trong kế hoạch tài chính, gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như các khoản vay ngắn hạn trong giai đoạn trước.
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, để đánh giá một dự án công nghiệp lớn như Nhà máy Xơ sợi Việt Nam cần phải có cái nhìn dài hạn. Mặt khác cũng cần phải có một sự so sánh khách quan với một đơn vị tương ứng cùng ngành sản xuất, cùng một môi trường kinh doanh tại Việt Nam để từ đó tìm ra những gì còn khuyết thiếu trong việc khôi phục lại Nhà máy Xơ sợi Việt Nam.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu cán bộ nhân viên Tập đoàn, VNPoly cần phải sát sao với công việc hơn nữa, “phải bám sát công việc từng li từng tí, đưa ra quyết định cụ thể từng cái bulong, đinh vít” như tại dự án Thái Bình 2 thì mới có thể “bê từng cái bánh xe của VNPoly ra khỏi vũng lầy”. Đến nay, chúng ta đã thành công bê được "1 bánh" về phần sản xuất sợi DTY thì không lý nào không thể bê nốt cái bánh xe còn lại là phân xưởng sản xuất PSF.
Cùng với đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng giao Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Huyên chủ trì hoàn thiện toàn bộ các vấn đề liên quan đến đầu tư, quyết toàn dự án xây dựng Nhà máy Xơ sợi Việt Nam và rà soát cập nhật lại kế hoạch sản xuất kinh doanh VNPoly trình HĐTV vào cuối tháng 5/2023; Giao Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Dương Mạnh Sơn chủ trì, phụ trách hoàn thiện các phương án tài chính, xử lý các khoản công nợ của VNPoly, tạo nguồn tài chính cho VNPoly sản xuất trở lại. Đồng thời, yêu cầu VNPoly tiếp tục báo cáo tình hình buôn lậu, bán phá giá mặt hàng xơ sợi, nguyên nhiên liệu sản xuất xơ sợi tổng hợp lên Bộ Công Thương, Bộ Công an để đảm bảo các chính sách Nhà nước đối với việc bảo hộ các ngành sản xuất non trẻ của đất nước như xơ sợi tổng hợp.