Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam là điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

PV 24/05/2023 - 21:34

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ cho thấy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với mức tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh và đầu tư 5.941 tỷ đồng.

01.jpg
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Sáng 23/5/2023, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Trong đó, về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

02.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ quá trình sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục hoàn thiện. Đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng. Đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đã và đang tiếp tục hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý, tái cơ cấu 7/12 dự án, doanh nghiệp yếu kém còn lại.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

03.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo thẩm tra ghi nhận 5 nhóm kết quả đã đạt được về: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thực hành tiết kiệm tại các doanh nghiệp; Cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân.

Đáng chú ý, báo cáo ghi nhận Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình giai đoạn 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1; xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả như Nhà máy điện Long Phú 1, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Một số dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh và đầu tư 5.941 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội tiết kiệm 1.416 tỷ đồng.

Năm 2022, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, công tác thực hiện tiết kiệm tại Petrovietnam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn Tập đoàn đã thực hiện tiết kiệm được 4.896 tỷ đồng, vượt 2,1 lần so với mức kế hoạch tiết giảm năm 2022 (kế hoạch tiết giảm năm 2022 là 2.281 tỷ đồng), cao hơn 52,2% (~1.678,5 tỷ đồng - so với thực hiện 2021 là 3.217,5 tỷ đồng). Trong đó, Tiết kiệm từ nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý, bán hàng, tài chính... đạt 1.770 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch; Tiết kiệm từ quản lý đầu tư, tối ưu vận hành khai thác, mua sắm trang thiết bị đạt 3.126 tỷ đồng, vượt 5,6 lần kế hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo thẩm tra nhận định Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Petrovietnam, Tập đoàn đưa ra 13 nhóm giải pháp cần triển khai. Trong đó ưu tiên xử lý dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải ngoài lĩnh vực SXKD chính thông qua việc thoái vốn và đảm bảo tập trung vốn vào các lĩnh vực SXKD chính, đưa vào vận hành thương mại và có phương án triển khai khả thi đối với các dự án trọng điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam là điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO