Petrovietnam ký kết thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án NMNĐ Ô Môn II

Ngọc Châu| 23/02/2023 12:25

(TN&MT) - Sau một quá trình đàm phán trên tinh thần hợp tác cùng phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) cho Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn II cùng Liên danh giữa Tổng Công ty Cổ phần Thương Mại Xây dựng (WTO) và Marubeni Corporation.

Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí Lô B cho NMNĐ Ô Môn II giữa Petrovietnam và liên danh 2 công ty gồm Marubeni Corporation và Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) đã được ký kết dưới sự chứng kiến của các Cơ quan Chính phủ và các đơn vị liên quan. Việc ký kết Thỏa thuận khung này là một bước quan trọng để các bên tiếp tục triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ Chuỗi Dự án khí - điện Lô B.

01-1-.jpg
Đại diện Petrovietnam và liên danh Marubeni - WTO ký kết thoả thuận khung hợp đồng bán khí Lô B

Theo thỏa thuận, các bên thống nhất các nguyên tắc và các điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA) đầy đủ và làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các dự án trong Chuỗi khí - điện Lô B. Tiến độ nhận khí của NMNĐ Ô Môn II sẽ đồng bộ với tiến độ phát triển mỏ của Dự án khí Lô B thượng nguồn.

Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400km, với độ sâu nước biển khoảng 77m.

Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) cung cấp khí cho các NMNĐ Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810MW). Trong giai đoạn bình ổn nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

02(1).jpg
Dự án NMNĐ Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050MW

Ông Shino Mooro, Tổng Giám đốc Marubeni Asian Power Singapore, đại diện liên danh Marubeni - WTO nhấn mạnh việc ký kết thoả thuận khung hợp đồng bán khí Lô B cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II với Petrovietnam sẽ là một yếu tố quan trọng, đóng góp cho quyết định đầu tư cuối cùng của Dự án khí Lô B; Đồng thời cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phát triển chung của dự án để đồng bộ với chuỗi dự án.

Thay mặt lãnh đạo Petrovietnam, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn Chính phủ, UBND TP. Cần Thơ, các Bộ, ngành liên quan đã dành sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo sát sao, kịp thời đến Petrovietnam và các nhà thầu trong việc triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B; Đồng thời cảm ơn và đánh giá cao Tổ đàm phán hai bên đã làm việc hiệu quả để có buổi ký kết thỏa thuận khung; Khẳng định việc ký kết thỏa thuận khung là một bước quan trọng để các bên tiếp tục triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ chuỗi dự án.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhận định chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức với mục tiêu đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 6/2023. Để đảm bảo tiến độ khai thác và có dòng khí Lô B đầu tiên vào cuối năm 2026, lãnh đạo Petrovietnam mong muốn các nhà thầu dầu khí, các chủ đầu tư cần nỗ lực hết mình, chủ động quyết định để triển khai chuỗi dự án theo đúng tiến độ.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn luôn xác định việc đưa Dự án khí Lô B vào khai thác là nhiệm vụ quan trọng nhằm đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ, đảm bảo nhu cầu phát điện quốc gia giai đoạn sau năm 2026. Theo đó, Lãnh đạo Petrovietnam mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, UBND TP. Cần Thơ, các Bộ, ngành liên quan đối với dự án Lô B. Trên cơ sở thỏa thuận khung đã được ký kết, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị Tổ đàm phán hai bên tiếp tục khẩn trương đàm phán chi tiết, hoàn tất hợp đồng bán khí cho NMNĐ Ô Môn II trong năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tetsuhiro Nobuta, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, việc tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản vào các dự án thuộc chuỗi dự án Lô B - Ô Môn có ý nghĩa rất lớn không chỉ đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam vào dịp kỷ 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Dự án NMNĐ Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050MW, cấu hình lựa chọn là 2-2-1 (2 turbine khí, 2 lò hơi thu hồi nhiệt và 1 turbine hơi) đảm bảo hiệu suất tối ưu, độ tin cậy và khả năng linh hoạt cao trong quá trình vận hành. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026 - 2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi Dự án khí - điện Lô B.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam ký kết thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án NMNĐ Ô Môn II
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO