Doanh nghiệp - doanh nhân

Hằng Thương 06/06/2024 - 13:52

Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon: Gieo dấu chân sinh thái

Hằng Thương 06/06/2024 - 13:52

Gần 50 năm xây dựng, trưởng thành, Tập đoàn Dầu khí Việt nam (Petrovietnam) không chỉ giữ trọn trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động sản xuất mà giờ đây, nhiệm vụ này đã được nâng lên ở một tầm nhận thức mới: Trồng rừng - gieo dấu chân sinh thái để giảm dấu chân phát thải các-bon.

lhd1254420240425141451-1-.jpg

Bảo vệ môi trường - nói là làm

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, mục tiêu lớn mà Petrovietnam đặt ra đó là: Tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Với 48 năm sản xuất an toàn, đặc biệt trong lĩnh vực BVMT, có thể ghi nhận đây là một kỳ tích đáng tự hào của Petrovietnam trong việc nói là làm.

Có thể thấy, với bất cứ ngành nghề nào, đảm bảo môi trường trong sản xuất đều có những yêu cầu nhất định và đứng ở góc độ đặc thù của ngành thì mỗi ngành nghề đều có những khó khăn riêng. Nhưng không phủ nhận, BVMT trong lĩnh vực dầu khí đặt ra những yêu cầu rất cao, bởi thực hiện nhiệm vụ trong môi trường nước, thường xuyên ứng phó trước sự cố tràn dầu; xử lý dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; quản lý chất thải đối với các hoạt động dầu khí trên biển; xử lý khí thải, nước thải trong công nghiệp lọc - hóa dầu, đạm, hóa phẩm dầu khí, công nghiệp sản xuất điện; xử lý nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; xử lý môi trường khi thu dọn mỏ…

lhd1266820240425140443.jpg

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã phát động “Trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập mặn” năm 2024 trong toàn Tập đoàn.

Nhất quán mục tiêu BVMT trong sản xuất kinh doanh, Petrovietnam và các đơn vị trực thuộc đã triển khai đồng bộ các biện pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ở lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, ngay từ những mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện năm 1992 (trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật Bảo vệ môi trường), Tập đoàn vẫn chủ động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; tiến hành khảo sát môi trường cơ sở, môi trường sau khi khoan và trong quá trình khai thác dầu khí.

4-pvn-cm20240425140852(1).jpg
Petrovietnam phát động trồng cây phục hồi rừng tại Cà Mau

Đến nay, tất cả các dự án dầu khí ngoài khơi đều tuân thủ các quy định của pháp luật như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC); xây dựng kế hoạch BVMT; giám sát định kỳ và liên tục các nguồn thải; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, biện pháp ứng phó sự cố hóa chất; thực hiện quan trắc môi trường trước và sau khi thực hiện thu dọn mỏ; thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí… Các đơn vị thường xuyên cập nhật các nguồn thải từ hoạt động của mình, từ đó xác định rõ những rủi ro và tác động môi trường để thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp.

6-pvn-cm20240425140855.jpg
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tham gia trồng cây.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tham gia trồng cây.

Đối với công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, các nguồn thải, tại đầu ra của hệ thống xử lý nước khai thác đều lắp đặt thiết bị đo hàm lượng dầu liên tục (online monitor), khi hàm lượng dầu lớn hơn giới hạn, hệ thống sẽ tự động đưa nước khai thác quay trở lại cyclone để xử lý lại. Các loại nước thải khác (nước rửa sàn, nước mưa…) được thu gom và xử lý bằng thiết bị tách dầu trong nước để bảo đảm hàm lượng dầu trong nước thải ra môi trường biển nhỏ hơn hoặc bằng 15mg/l theo quy định của Marpol.

Tại các giàn khoan đều được trang bị thiết bị xử lý mùn khoan như sàng rung, máy quay ly tâm, máy sấy khô để bảo đảm xử lý hàm lượng dầu bám dính trong mùn khoan nhỏ hơn 9,5 trọng lượng khi thải xuống biển, tuân thủ QCVN 36:2010/BTNMT. Đồng thời, các chất thải rắn nguy hại gồm cặn dầu, cặn dung dịch gốc tổng hợp, bùn nhiễm dầu, nước nhiễm dầu, hóa chất gốc dầu, giẻ nhiễm dầu, acquy, pin thải… được thu gom phân loại vào các thùng có dán nhãn riêng sau đó được vận chuyển về bờ để xử lý.

lhd1296520240425141036.jpg

Ông Trần Quang Dũng - Phó Bí thư Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia trồng cây

Phát thải từ hoạt động của Petrovietnam chiếm tỷ trọng rất nhỏ

Với vai trò là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, thông qua hàng loạt các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK), chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động, Petrovietnam đang nỗ lực vận dụng tất cả năng lực, kinh nghiệm, tiềm năng sẵn có để chung tay cùng Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hiện phát thải KNK tại Việt Nam đang vào khoảng 400 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm khoảng 2/3, còn lại là các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, theo đánh giá, lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng. Điều này đạt được là do các hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất của Petrovietnam hiện đại so với mặt bằng chung của ngành năng lượng Việt Nam.

cac-dai-bieu-trong-cay-xanh-tai-vuon-cay-cong-doan-dau-khi-nha-may-nhiet-dien-thai-binh-2.-.jpeg
Đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia trồng cây xanh tại Vườn cây Công đoàn Dầu khí, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hiện Petrovietnam đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải KNK theo các cam kết mới của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, Tập đoàn dự kiến sẽ cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031 - 2050, Petrovietnam sẽ triển khai các giải pháp “Xanh hóa" các nhà máy điện than, các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon (CCS/CCUS); tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen “Xanh,” NH3 “Xanh” có tính khả thi; phát triển chuỗi giá trị thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), hydrogen “Xanh,” NH3 “xanh” trong nước và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải biển.

lhd1299420240425141046.jpg

Bà Nghiêm Thùy Lan - Ủy viên BTV Đảng ủy Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia trồng cây.

Gieo dấu chân sinh thái để giảm dấu chân các-bon

Bên cạnh sử dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm phát thải KNK, trồng cây gây rừng là giải pháp tiếp theo được Petrovietnam triển khai rộng giúp các doanh nghiệp tích lũy tín chỉ carbon phục vụ tham gia quy đổi tỷ lệ phát thải.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, đối với doanh nghiệp, trồng cây gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ carbon bù đắp phần phát thải. Các hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng trong những năm vừa qua cũng đã thể hiện hành động mạnh mẽ của Petrovietnam và các đơn vị thành viên nhằm khẳng định ý thức BVMT sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi BĐKH, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

pvep-hanh-dong-thich-ung-voi-chuyen-dich-nang-luong-20240515084041.jpg
Lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tham gia trồng rừng trung hòa carbon

Năm 2022, Petrovietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 - 2025. Trong 2 năm qua, các đơn vị thành viên, trực thuộc Petrovietnam đã trồng mới và chăm sóc 615.135 cây xanh trên các cánh rừng tại Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An; hỗ trợ 100.000 cây phi lao giống cùng vật tư đi kèm chuyển tới các đảo Trường Sa trong chương trình “Xanh hóa Trường Sa”...

Đặc biệt, tháng 4/2024 vừa qua, Petrovietnam tổ chức Lễ phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước tại xã Trần Hợi (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Tại sự kiện, đơn vị trực tiếp là PVEP và PVCFC (Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau) đã ký Biên bản ghi nhớ cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau trồng mới 40ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn. Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác giữa các đơn vị của Petrovietnam với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, nhằm mục đích khai thác lợi thế của mỗi bên trong các hoạt động trồng và bảo vệ rừng, hướng tới các mục tiêu chính như BVMT, ứng phó với BĐKH, trung hòa các-bon và phát triển các cơ chế quy đổi tín chỉ các-bon.

lhd1254420240425141451.jpg

Những hàng cây vừa được trồng trong lễ phát động “Trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập mặn” năm 2024

Tại sự kiện quan trọng này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết: “Trước ảnh hưởng nghiêm trọng bởi BĐKH, một trong những giải pháp bền vững và thiết thực nhất mà chúng ta cần làm ngay lúc này là trồng rừng, phục hồi rừng trên đất ngập nước. Đây cũng là hành động mạnh mẽ của Petrovietnam khẳng định ý thức BVMT sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi BĐKH, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050”.

Năm 2024 được xác định là năm quan trọng then chốt để Petrovietnam tăng tốc hoàn thành mục tiêu trồng 3 triệu cây xanh đến năm 2025 và lượng hóa việc giảm thải CO2 vào môi trường, làm cơ sở đón đầu xu hướng miễn, giảm thuế/phí môi trường, giảm phát thải, ứng phó BĐKH. Và như vậy, cùng với BVMT, trồng cây đang là một trong những tiêu chí được Petrovietnam lựa chọn, đặc biệt với những vùng đất nơi có hoạt động của Petrovietnam với mục tiêu: để lại dấu chân sinh thái thông qua các cách rừng để giảm dấu chân các-bon trước yêu cầu của thời kỳ mới.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon: Gieo dấu chân sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO