PC Hòa Bình: Hiệu quả từ chuyển đổi số
(TN&MT) - Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, từ năm 2021 đến nay Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã tập trung mọi nguồn lực triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, vận hành lưới điện.
100% các dịch vụ điện đã được Công ty số hóa
Những năm gần đây, PC Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH) nhằm đem đến sự tiện lợi cho khách hàng trong sử dụng các dịch vụ điện.
Với mục tiêu khách hàng là trung tâm trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành Điện Hòa Bình đã triển khai ứng dụng hoa học công nghệ và tích hợp nền tảng số vào các mục tiêu tăng tính kết nối, phục vụ khách hàng ngày một hoàn hảo hơn. Hiện nay, người dân có thể sử dụng các dịch vụ điện lực mọi lúc, mọi nơi và liên tục 24/24h trên các nền tảng số. Chỉ cần truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia (http://dichvucong.gov.vn) hoặc truy cập website (www.cskh.npc.com.vn), ứng dụng EVNNPC CSKH… là khách hàng có thể đăng ký các dịch vụ điện trực tuyến như: Cấp điện mới hạ áp, trung áp, thay đổi công suất; đổi chủ thể, gia hạn hợp đồng mua bán điện hoặc thanh toán tiền điện…
Đối với các dịch vụ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện đều được PC Hòa Bình áp dụng 100% thông qua hình thức điện tử. Khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà, sử dụng Internet là có thể yêu cầu dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi và được PC Hòa Bình giải quyết nhanh chóng, theo đúng phương châm “một cửa”.
Bà Nguyễn Thị Linh (địa chỉ tại số nhà 10, tổ 12, phường Đồng Tiến, Tp. Hòa Bình) đã rất ngạc nhiên khi chỉ cần đăng ký trực tuyến trên website chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (www.cskh.npc.com.vn) hoặc sử dụng trên ứng dụng EVNNPC CSKH là đã có thể tách công tơ điện tử cho con trai mình.
Còn ông Bùi Văn Quân (địa chỉ tại xóm Trang, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) lại đánh giá cao là về hình thức thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt. Ông Quân chia sẻ, trước đây, để có thể thanh toán tiền điện, tôi phải ra tận bưu điện xã hoặc lên trực tiếp trụ sở Điện lực huyện Cao Phong. Việc này mất rất nhiều thời gian và công sức vì vừa phải đi lại, vừa phải chờ đợi, trong khi tuổi của tôi đã cao, sức khỏe không được tốt. Kể từ ngày ngành Điện đổi mới trong việc chuyển đổi số, tôi chỉ cần dùng chiếc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm Viettel Pay hoặc ứng dụng Mobile Banking thì đã có thể thanh toán tiền điện bất cứ khi nào.
Đặc biệt, để kích cầu thanh toán tiền điện qua hình thức này, có thời điểm, ngành Điện còn tung ra những chương trình khuyến mãi từ 5-10%/tổng hóa đơn, qua đó đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số
Nhằm tạo sự minh bạch, tự động hóa công tác khai thác, vận hành hệ thống phân phối điện, tiện lợi trong công tác tính toán tổn thất, tạo sự hài lòng và tin tưởng cho khách hàng, Công ty đã đẩy mạnh thay thế công tơ khí bằng công tơ điện tử đo xa. Bên cạnh đó, đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu lưới điện 110 kV, cũng như lưới điện trung và hạ thế với 100% thiết bị trên lưới được số hóa qua phần mềm hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS và GIS. Hiện, Công ty đang quản lý 7/7 trạm biến áp (TBA) 110kV vận hành theo phương thức không người trực. Việc nâng cấp hệ thống điều khiển và đưa các trạm vào vận hành không người trực đã mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất lao động.
Đặc biệt, TBA không người trực có khả năng tự động hóa hoàn toàn công tác quản lý, giám sát quy trình vận hành của các thiết bị tại các TBA 110kV. Trung tâm Điều khiển xa có nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển toàn bộ lưới điện ở các TBA 110kV, cũng như các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế…
Từ đó, đã làm giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo; đảm bảo yếu tố an toàn sức khỏe cho người lao động. Ngoài ra việc thao tác từ xa các thiết bị từ trung tâm điều khiển, giúp rút ngắn thời gian mất điện khi có sự cố, chuyển nguồn thao tác hoặc cắt điện có kế hoạch góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cũng như nâng cao chất lượng điện năng cho khách hàng tỉnh Hòa Bình.
Đối với lĩnh vực đầu tư và đấu thầu, PC Hòa Bình cũng đã tích cực chuyển đổi số theo hướng áp dụng nhật ký thi công điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS. Hiện nay, 100% số lượng các gói thầu đều được Công ty thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng thông qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn ngành Điện…
Ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Lộ trình từ nay đến năm 2025, Công ty vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp. PC Hòa Bình đã xác định lấy con người làm trung tâm và tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuyển đổi số thông qua công tác đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người lao động, cũng như kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ công nghệ thông tin.
Đồng thời, Công ty cũng sẽ tiếp tục nâng cấp các phần mềm, phát triển thêm một số phần mềm mới, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của lưới điện thông minh, cũng như phục vụ khách hàng theo hướng hoàn hảo nhất...