Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Phải dùng cả con tim lẫn khối óc để lắng nghe dân!

24/04/2017 00:00

(TN&MT) - Liên tục hơn một tuần qua, sự kiện người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội giữ hàng chục chiến sĩ cảnh sát cơ động, cán bộ chính quyền địa...

 

(TN&MT) - Liên tục hơn một tuần qua, sự kiện người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội giữ hàng chục chiến sĩ cảnh sát cơ động, cán bộ chính quyền địa phương… đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Từng công tác tại Thanh tra Chính phủ, trực tiếp giải quyết không ít vụ khiếu kiện của người dân, ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - đau đáu theo dõi sự kiện trên từng ngày và không khỏi âu lo, trăn trở trong tâm thế của một cán bộ lãnh đạo dù đã về hưu, nhưng lúc nào cũng nặng lòng với dân, với nước. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Phạm Quyết Thắng xung quanh sự kiện trên.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Ảnh: Cao Hùng
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Ảnh: Cao Hùng

Thưa ông, sự kiện xảy ra tại xã Đồng Tâm được các cơ quan truyền thông đăng tải trong những ngày qua, chắc ông đã biết. Ông có nhận xét gì về sự vụ này?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Từng nhiều năm tháng công tác tại Thanh tra Chính phủ, được tiếp cận và giải quyết nhiều vụ khiếu kiện của dân chúng, tôi hiểu điều gì đang xảy ra ở xã Đồng Tâm. Đối với tôi, trong sự vụ này, chúng ta phải nhìn ở nhiều góc cạnh khách quan và chân thực nhất. Chúng ta hãy nhớ Bác Hồ đã từng nói: “Đồng bào có oan mới khiếu kiện. Đồng bào không hiểu biết mới khiếu kiện”. Như vậy, mọi sự tranh chấp giữa dân và chính quyền, thì đầu tiên, cái sai bao giờ cũng do chính quyền. Đồng bào có oan mới khiếu kiện. Vì cán bộ, chính quyền đã làm sai trong sự việc cần giải quyết với dân chúng. Và, vì thế dân chúng mới kêu oan. Đồng bào không hiểu biết mới khiếu kiện. Điều đó nói lên rằng, cán bộ, đảng viên của chúng ta đã không phổ cập đầy đủ chính sách, luật pháp của nhà nước đến với người dân. Vì thế, trong sự bức xúc của đồng bào, mới có những biểu hiện tiêu cực như chúng ta đã thấy… Tất cả những cái đó, không phải lỗi ở đồng bào, mà do lỗi ở chúng ta, lỗi của một bộ phận cán bộ, đảng viên tại cơ sở - những công bộc của dân, chưa làm trọn nghĩa vụ của mình đối với đất nước, với nhân dân…

Xung đột xảy ra giữa lực lượng thực thi công vụ với người dân, dẫn tới việc người dân giữ nhiều chiến sĩ cảnh sát, cán bộ chính quyền địa phương… Ông nghĩ sao về hiện tượng này? Liệu có dấu hiệu vi phạm luật pháp hay không, như dư luận tranh cãi trong những ngày qua?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Hành vi vi phạm luật pháp biểu hiện ở 2 khía cạnh: Thứ nhất, là cố tình làm sai luật pháp. Thứ hai, do thiếu hiểu biết. Tôi cho rằng, ở đây có cả 2 hành vi. Thứ nhất, là sự thiếu hiểu biết của người dân do bức xúc, thấy cần giữ lại ai đó để làm bằng chứng  buộc cơ quan công quyền phải giải quyết, xử lý vụ việc… Thứ hai, cũng phải nói có một số người, có thể do những động cơ khác nhau – chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu, điều tra – đã thúc đẩy, đưa dân chúng đến những hành vi không đúng luật. Tuy nhiên, phải thấy ở đây, về phía các cán bộ, công chức, đảng viên đã không phổ cập đầy đủ luật pháp cho dân chúng, dẫn tới người dân phải có những hành vi như thế.

Để giải quyết căng thẳng giữa cơ quan công quyền với người dân, thì phương án “đối thoại” có phải là tối ưu?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Đó là phương án tốt nhất. Nhưng cần phải hiểu sâu sắc hơn nữa về “đối thoại”.  Đây phải là sự “lắng nghe” từ chính quyền để xử lý những sự việc sai trái, mà cán bộ, đảng viên của chính quyền đã làm sai đối với dân. Phải bám chắc lời dạy của Bác Hồ, mà tôi nêu ở trên để xử lý vụ việc cho dân một cách đầy đủ nhất. Phải nhìn nhận oan ức của dân là xuất phát từ những bất cập, cách giải quyết chưa thỏa đáng của cơ quan công quyền… Vì vậy, chúng ta phải lắng nghe và xử lý sao cho đúng đắn. Không thể tranh cãi, đôi co với dân rằng, chính quyền luôn đúng, dân thì sai … Phải xuống ngay cơ sở lắng nghe dân nói, tìm hiểu sự việc, từ đó mới có biện pháp xử lý thích hợp, xác đáng nhất. Chúng ta phải đi tận gốc, mới nắm được vụ việc…

Ông đã nhắc tới khái niệm “lắng nghe”, “chính quyền phải lắng nghe dân”… Theo ông, “lắng nghe” dân ở đây phải như thế nào là đúng nhất, trong mối quan hệ máu thịt giữa chính quyền với nhân dân?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Muốn lắng nghe dân, thì phải để cho dân biết, dân làm, dân kiểm tra; từ đó, mới ra vấn đề. Bác Hồ đã từng nói rằng, chính quyền muốn lắng nghe dân, phải để dân biết, dân nói được cái điều của dân. Từ đó, chính quyền mới thấy được cái sai của mình. Lắng nghe ở đây, nó thể hiện cách nhìn, cách quan sát, mới thấy được đúng – sai. Muốn nghe dân cho nó tinh, phải dùng cả con tim lẫn khối óc của mình mà lắng nghe dân nói. Từ đó, cán bộ, chính quyền mới giải thích, điều chỉnh, hướng dẫn người dân về tuân thủ luật pháp… Người cán bộ, công bộc của dân phải hiểu “lắng nghe” một cách đầy đủ, thấu đáo… Phải xuất phát từ tấm lòng của mình. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhân dân và trên cơ sở đó mới có hành vi đúng đắn.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng trò chuyện với các nhà báo - Ảnh: Cao Hùng
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng trò chuyện với các nhà báo - Ảnh: Cao Hùng

Trong vụ việc này chạm đến “lòng tin” của người dân đối với chính quyền. Ý kiến của cá nhân ông như thế nào?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Tại nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng đã nói nhiều tới vấn đề này. Một bộ phận cán bộ, đảng viên của chúng ta thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, sa sút về phẩm hạnh; cho nên, lòng tin của dân với Đảng bị giảm sút. Ngay tại vụ Đồng Tâm này, thể hiện sự thiếu lòng tin của dân chúng. Ít nhất, thiếu lòng tin vào đảng bộ cấp cơ sở và người dân chỉ tin vào cấp Trung ương. May là dân còn tin ở Trung ương; chứ nếu họ không còn tin vào Trung ương nữa, coi như  chúng ta sẽ mất tất cả. Do đó, các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, lãnh đạo Trung ương phải biết lắng nghe dân, phải đi xuống tận cơ sở xử lý tận cùng sự việc, để tháo gỡ các vướng mắc và gây dựng lại lòng tin của dân chúng đối với Đảng. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi rất thấm thía điều này. Phải phát huy dân chủ, xử lý tốt các bức xúc của nhân dân sẽ khôi phục được niềm tin của nhân dân thôi.

Chính quyền TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn bộ vấn đề quản lý, sử dụng đất đai ở khu vực xã Đồng Tâm. Đây có phải là giải pháp tốt để giải quyết mọi thắc mắc của người dân? Làm gì để không còn những vụ căng thẳng như vụ ở xã Đồng Tâm nữa, thưa ông?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Đó là việc nên làm. Phải thực hiện thanh tra đầy đủ, triệt để, bóc tách các vấn đề ra… Cái gì sai phải xử lý nghiêm, giải oan cho người dân. Cái gì đồng bào chưa hiểu thì giải thích cho đồng bào hiểu. Tính nhân văn của một nhà nước pháp quyền, do dân, vì dân là ở chỗ đó. Không thể cứng nhắc với dân. Ở đâu mà đảng bộ, chính quyền cơ sở yếu kém, mất đoàn kết, có hiện tượng quan liêu, ức hiếp dân, thì ở đó sẽ có những sự kiện xảy ra xung đột với dân…

Ở vụ việc Đồng Tâm, theo tôi trước hết, đây không phải là sự “trao đổi” như là sự trao đổi, trao trả con tin giữa đối phương này với đối phương kia. Đây chỉ là bức xúc của dân chúng, dân chúng giữ các chiến sĩ để lấy cớ được tiếp cận chính quyền. Dân giữ người chỉ nhằm mong muốn các ông lãnh đạo xuống tận cơ sở để giải quyết nguyện vọng của dân. Ở đây, nhân dân và chính quyền là một, chứ không phải là 2 phe…Trong sự việc này, chúng ta kêu gọi đồng bào thực hiện đúng pháp luật, để các chiến sĩ về với gia đình.  Còn việc chính quyền có thả những người bị chính quyền tạm giữ, lại là vấn đề khác. Tôi không đồng tình lối suy diễn rằng, hai bên trao đổi, bên này trả, bên kia mới trả… Còn chính quyền cũng phải thận trọng trong việc giữ người, xử lý người vi phạm sao cho đúng, thấu tình đạt lý…Nên nhớ, có những quần chúng  có hành vi quá khích cũng bắt nguồn từ oan sai. Tôi xin nói, nếu không cẩn thận, ở Hải Phòng có vụ Đoàn Văn Vươn, thì đây, là vụ Đoàn Văn Vươn có cái sai lớn hơn. Không phải chỉ liên quan đến một  người, mà liên quan nhiều người. Hãy nói rằng, Mỹ Đức – Đồng Tâm sẽ không và không bao giờ lặp lại cái sai của vụ Đoàn Văn Vươn!.

Xin cảm ơn ông!

                                                               Cao Nguyễn Hoàng Hưng (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Phải dùng cả con tim lẫn khối óc để lắng nghe dân!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO