Chuối bén duyên đất cằn
“Được nhận 4 ha đất rừng sản xuất mà ngao ngán, đất thì cằn cỗi bạc màu nên rừng cũng không mọc được, toàn những cây dại lúp xúp không khoanh nuôi được, phát đi trồng mới thì phải đầu tư quá lớn. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, mình tự đặt câu hỏi, tại sao không trồng cây chuối rừng xem sao. Huy động cả nhà vào rừng, đào gốc chuối về trồng. Thật không ngờ nó lớn rất nhanh, chỉ sau 5 tháng là cây đã cao, lá đã nhiều” - Ông Mạc Thanh Long, 73 tuổi, ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An), nhớ lại những ngày “khởi nghiệp”.
Nhìn ông rọc lá chuối trông thật điệu nghệ, trăm tàu như một, lành lặn không hề rách nát. Chính vì điều đó mà lá chuối nhà ông bao giờ cũng đắt khách hơn cả. Cứ hàng của “ông Long Khe Kiền”, là khách không cần phải kiểm tra. Tin nhau là vậy. Và mấy năm nay ông cũng không mất công đếm tiền như trước, chuyển khoản hết. “Chúng tôi làm ăn, hàng không cân, tiền không đếm” - Ông Long cười rạng rỡ.
Nhưng hấp dẫn hơn cả là nghe ông nói về cái lợi của cây chuối rừng. Từ gốc đến ngọn đều có thể cho… tiền. Này nhé, lá chuối thì đem bán khắp nơi, ra tận Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội… Rọc lấy phần lá rồi, đừng nghĩ cái cồi đem vứt bỏ, không đâu, thái ra làm thức ăn cho cá đấy. Thân cây thì ai cũng biết là thức ăn chính cho gia súc. Đến gốc chuối cũng cứ “mọc” ra tiền, mỗi gốc có giá 15.000 đồng chứ chẳng ít đâu. Ông khoe với tôi: “Thỉnh thoảng bà con ở các bản người Mông lại đánh xe đến mua đủ thứ từ cây chuối, gốc thì đem về trồng, lá rách và cồi thì làm thức ăn chăn nuôi dê. Con dê nó “nghiện” món lá chuối này lắm đấy”.
Nhân rộng mô hình cây chuối
Càng chuyện trò, tôi càng quý ông Long hơn. Không phải vì trồng chuối giỏi, không phải vì thu nhập cao, cũng không phải vì vóc dáng cường tráng của ông. Mà, ông già ấy đã không “giấu nghề”, sau thành công của chính mình, thay vì độc quyền, ông đã vận động bà con cùng tham gia trồng chuối rừng. Ông kể, đầu tiên là vận động các hộ nghèo, những người có họ hàng với ông. “Không phải tôi cục bộ đâu, mà người họ hàng thì họ tin mình hơn, nói là họ nghe” – ông Long đã bắt đầu công việc vận động như thế.
Ông kể, đầu tiên là tôi bàn với dì Xinh ở đầu bản, rồi đến dì Lan. Hai dì ấy hào hứng lắm, sau 5 tháng cây chuối đã cho thu nhập nên các dì tiếp tục mở rộng diện tích. Lúc này, tôi mới bàn với nhiều hộ khác. Thấy rõ cái lợi, lá chuối mà cũng ra tiền, lại nhiều tiền nên bà con mới trồng đại trà. Nhiều nhà trước đây đói lắm, nay khấm khá lắm rồi.
Anh La Văn Bống - Phó Chủ tịch xã Lưu Kiền, cho biết: Toàn xã hiện nay đã có tới 34 ha cây chuối rừng, có thể nói là loại cây chủ đạo hiện nay của Lưu Kiền. Đoạn ông Phó Chủ tịch trẻ nắm chặt tay ông Long, xúc động: Biết ơn bác Long lắm lắm. Nhờ bác mà cây chuối rừng lên ngôi, cho thu nhập cao. Nhờ bác vận động, hướng dẫn mà nhiều gia đình quanh năm thiếu đói nay đã no đủ. Ở bản Lưu Thông, mấy gia đình người Mông như Xồng Bá Đà, Thò Bá Giờ... nhờ cây chuối rừng của bác Long mà đã thoát nghèo rồi đấy.
Ông Long nhỏ nhẹ: Ồ, chuyện nhỏ mà. Mình làm thành công rồi thì phải bày cho bà con chứ. Người Kinh có câu nói rất hay đó thôi: “cho cần câu hơn cho con cá”. Mà không riêng gì trong bản, trong xã, bà con ở xã Tam Quang hoặc ở tận bên huyện Quế Phong cũng đến đây tham quan. Mình bày hết, nhà nghèo thì cho giống luôn, không lấy tiền.
Mình nói với họ, có hai cách trồng cây chuối rừng, một là ươm hạt, hai là trồng bằng gốc. Mỗi cách thì có ưu và nhược điểm riêng. Ươm hạt thì cây có tuổi thọ lâu hơn nhưng lại chậm thu hoạch, còn trồng gốc thì cây phát triển nhanh. Trong kỹ thuật trồng gốc thì nên chọn gốc càng to càng tốt, vì gốc to sẽ cho nhiều cây, còn trồng gốc nhỏ chỉ lên được vài cây thôi.
Tôi lại nói vui bác Long, bày hết bí quyết thế, không sợ người ta cạnh tranh lại với mình à. Bác thành thật: Không đâu. Mình còn bày cho bà con những thương lái làm ăn uy tín, mua với giá cao nữa cơ. Mình nói với bà con, cứ mạnh dạn trồng đi, chừng nào người Việt Nam còn làm bánh thì còn cần đến lá chuối, nhất là lá chuối rừng.
Cuối cùng, một thành phần nữa của cây chuối mà đến phút chót bác Long mới chịu giới thiệu với chúng tôi, ấy là rượu chuối hột. Dù tôi còn phải làm việc nữa, nhưng cũng không thể từ chối hai chén rượu thơm nồng, theo kiểu “con ong bay đi, con ong lại bay về” của người vùng cao. Vừa nâng chén, bác Long vừa tâm tình: Trồng cây chuối nhiều năm, bác thấm thêm câu nói, “lá lành đùm lá rách”, cháu ạ…!