Ô nhiễm tại KCN Tằng Loỏng khó xử lý triệt để

05/04/2017 00:00

(TN&MT) - Việc hoạt động rầm rộ của hàng chục nhà máy tuyển kim loại, sản xuất axít và buông lỏng công tác bảo vệ môi trường là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngày càng ô nhiễm tại Khu công nghiệp (KCN) Tằng Lỏong, Bảo Thắng, Lào Cai.

Hoạt động bằng công nghệ lạc hậu của các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng đang làm ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.
Hoạt động bằng công nghệ lạc hậu của các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng đang làm ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.

KCN Tằng Loỏng có diện tích mặt bằng khoảng 1.100ha với 28 dự án đăng ký đầu tư và đã có gần 20 nhà máy đi vào hoạt động. Trong đó, tập trung với một số nhà máy có công suất hoạt động lớn như: Nhà máy tuyển quặng Apatít công suất 950.000 tấn/năm, 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng có công xuất 44.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất DAP, nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi Phúc Lâm …

Bước chân vào phạm vi của KCN, dễ nhận biết nhất là khói, bụi và đặc biệt là những mùi lạ khi hít phải cảm thấy khó thở, thậm chí có thể ho sặc sụa ngay. Những cột khói trắng, đen, vàng (phốt pho thoát ra) và nước suối có lúc chuyển màu xanh, đỏ… đã làm môi trường tại KCN sản xuất hóa chất này “sạch” đến kinh ngạc.

Cây cối quanh các nhà máy tại KCN Tằng Loỏng luôn trong tình trạng táp lá và không ra hoa.
Cây cối quanh các nhà máy tại KCN Tằng Loỏng luôn trong tình trạng táp lá và không ra hoa.

Theo một số hộ dân thì từ nhiều năm nay, quanh KCN Tằng Loỏng vẫn còn nhiều cây xanh, phượng, bằng lăng vẫn nở khi hè đến nhưng tuyệt nhiên không còn tiếng ve kêu và rất hiếm nhìn thấy chim chóc tự nhiên bay ở khu vực này. Không biết các sinh vật này do không thể tồn tại được ở môi trường “đặc biệt” hay đã bị tuyệt chủng ở nơi không khí có lẫn quá nhiều hóa chất độc hại. Còn dưới suối thì theo những người dân cũng đã từ lâu họ không còn nhìn thấy loại cá nào bơi dưới đó, mặc dù vào ban ngày, nhìn bằng mắt thường cũng không có vẻ gì là ô nhiễm. Tuy nhiên, người dân ở đây cũng không dám rửa chân tay ở suối vì nước ở đây có mùi lạ, khá nhớt, rửa chân tay là mẩn ngứa và dị ứng hết cả người.

Ông Nguyễn Văn Biên, một hộ dân sống tại đội 5, xã Xuân Giao huyện Bảo Thắng cho biết: Tôi là một người dân sinh ra và lớn lên tại nơi đây, ngày trước khi KCN mới đi vào hoạt động, dân tại đây mừng lắm vì có công ăn việc làm nhưng không ai biết rằng tác hại của nó kinh khủng tới mức này, cây cối thì không ra hoa, nước thì nhiễm độc. Chỉ mới cách đây có nửa tháng, ngày 17/3, người dân trong thôn lấy nước vào ao cá không biết nước đã bị ô nhiễm do vỡ ống nước xả thải của nhà máy phân bón DAP làm cho 9 hộ dân tại xã Xuân Giao , huyện Bảo Thắng thiệt hại gần 7 tấn cá. Đến 25/3, nước thải chảy ra từ nhà máy thép Việt Trung và nhà máy phốt pho vàng Việt Nam và phốt pho 4 của công ty CP hóa chất Đức Giang làm ngập lụt và chết nhiều ha hoa mầu của bà con, nước chảy ra thì có mầu đen và bốc mùi khó chịu. Cây cối hoa mầu, cá còn chết thì con người sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Nước chảy từ KCN Tằng Loỏng ra khu dân cư luôn có mầu đen mà bốc mùi khó chịu.
Nước chảy từ KCN Tằng Loỏng ra khu dân cư luôn có màu đen, bốc mùi khó chịu.

Chị Hoàng Ngọc Lan, một chủ quán ở ngay ngã ba thị trấn Tằng Loỏng cho biết: Dịp hè, do lượng xe chở hóa chất, quặng đi vào khu vực này nhiều cộng với khói bụi từ các nhà máy thải ra khiến không khí ở đây có lúc như đặc quánh rất khó thở. Nhiều hôm trời mưa, độ ẩm trong không khí cao còn ngửi thấy mùi tanh nồng nặc rất khó chịu nhưng người dân vẫn phải cam chịu, không biết kêu ai. Ngoài ra, tình trạng lưu huỳnh rơi vãi đầy đường cũng làm môi trường ở đây ô nhiễm hơn.

Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Lào Cai cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay chủ yếu xuất phát từ nhận thức của các doanh nghiệp hoạt động tại KCN. DN chạy theo lợi nhuận mà “cố tình” xem nhẹ hoặc cố ý phạm các qui định về bảo vệ môi trường (nước thải, khí thải, chất thải rắn…). Bên cạnh đó, DN có tư tưởng né tránh trách nhiệm, không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hoặc tìm cách trì hoãn, kéo dài theo các yêu cầu của cơ quan nhà nước trong việc khắc phục các sự cố môi trường do hoạt động sản xuất của mình gây ra. Đặc biệt, các công nghệ ở đây đa phần là nhập khẩu từ Trung Quốc lại hoạt động lâu năm nên việc gây ra các sự cố là điều khó tránh. 

Về phía cơ quan chức năng, do sự chồng chéo trong quản lý giữa các cấp, các ngành liên quan dẫn đến thực trạng buông lỏng trong quản lý cũng là nguyên nhân khó kiểm soát ô nhiễm môi trường tại KCN. Ngoài ra, do ngân sách của địa phương còn khó khăn nên kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc phân bổ kinh phí còn nhiều bất cập, nhất là ở cấp huyện.

Thời gian tới, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương duy trì việc thanh, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường tại KCN Tằng Loỏng. Đồng thời, bắt buộc các DN trong KCN phải cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bích Hợp

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm tại KCN Tằng Loỏng khó xử lý triệt để
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO