Ô nhiễm môi trường ở Thanh Hóa: Giám đốc Sở TN&MT “đá bóng” trách nhiệm xuống địa phương?

04/07/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa và người dân bức xúc, không đồng tình khi Giám đốc Sở TN&MT "đá quả bóng" trách nhiệm ô nhiễm môi trường...

   
(TN&MT) - Trong suốt thời gian qua Báo Tài nguyên & Môi trường online đã đưa hàng loạt tin, bài về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái; Người dân dựng lều vây trang trại chăn nuôi lợn tập trung của Công ty TNHH P.N.T – Chi nhánh Thanh Hóa; Công ty TNHH Đường Việt Nam – Đài Loan xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường trong nhiều năm… Thế nhưng với trách nhiệm đứng đầu, ngành TN&MT Thanh Hóa lại “đá” trách nhiệm xuống đầu các cấp chính quyền địa phương ngay trong kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh?.
   
Ông Vũ Đình Xinh – Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa trả lời chất vấn tại HĐND tỉnh  Thanh Hóa sáng 4/7
   
  Sáng ngày 04/07/2014, tại phiên trả lời chất vấn của mình, ông Vũ Đình Xinh – Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân dẫn đến các điểm nóng về môi trường xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của một số cơ sở doanh nghiệp còn quá yếu kém, luôn đặt lợi nhuận kinh doanh lên trên; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVMT đến người dân và các cơ sở, doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao; nguồn nhân lực “thiếu” và yếu cũng được xem là một nhân tố quan trọng để xảy ra các điểm nóng ô nhiễm(?!)...
   
   
  Trong khi đó, vấn đề: Trách nhiệm của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đến đâu khi nhiều cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng mà Sở “chưa” biết, chỉ khi người dân bức xúc “tự xử” và báo chí phản ánh thì Sở mới biết và tập trung xử lý?.  Về vấn đề này ông Giám đốc Sở TN&MT Vũ Đình Xinh “đẩy” thẳng sang công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa sâu rộng, mà chỉ nhận về phần mình một cách rất chung chung rằng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về vấn đề môi trường có lúc, có nơi xử lý chưa cương quyết, chưa quyết liệt và chưa đông đốc kịp thời các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xử lý môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt? Tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để ở một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm, chưa đạt kế hoạch mục tiêu chương trình hành động của tỉnh Thanh Hóa đề ra.
   
   
  Cùng với đó là “đá” trách nhiệm sang cấp chính quyền địa phương là không chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền đang hoạt động trên địa bàn mình quản lý. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xem công tác BVMT là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cấp xã thì buông lỏng công tác BVMT, không chỉ đạo kiểm tra và phát hiện kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm?
   
  Cũng tại buổi chất vấn, đại biểu Trần Văn Thành – Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PT Nông thôn Thanh Hóa, đại biểu huyện Nông Cống – ông Lê Đình Tuấn… cũng đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề “nóng” như: Hiện có bao nhiêu cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn tỉnh Thanh Hóa? Kế hoạch và lộ trình xử lý? Nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt bị chậm tiến độ. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai và phương án giải quyết?....
   
   
  Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Đình Xinh cho biết: Thực trạng nhiều dự án xử lý rác thải bị chậm tiến độ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Điển hình là bãi rác Cồn Quán ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) được phê duyệt Dự án liên hiệp xử lý chất thải TP Thanh Hóa. Thế nhưng, từ năm 2010 – 2013 dự án không thể triển khai được do thiếu ngân sách. Trách nhiệm này thuộc về UBND TP Thanh Hóa. Bãi rác này sẽ tiến hành đóng cửa từ ngày 30/08/2014 để chuyển sang bãi rác Đông Nam ở huyện Đông Sơn. Hiện, toàn tỉnh có 80 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kế hoạch và lộ trình xử lý trong năm 2015 là 35 cơ sở, trong đó xử lý 21 bệnh viện và cơ sở y tế (hiện 6 dự án đã hoàn thành); 9 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và 5 bãi rác. Đến năm 2020 sẽ xử lý 45 điểm: 34 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, 1 bãi rác và 9 làng nghề. Trách nhiệm thuộc về Sở Y tế, Sở TN&MT và các cấp chính quyền địa phương.
   
   
  Cũng tại buổi chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa – ông Mai Văn Ninh nhấn mạnh: Tình hình ô nhiễm môi trường gia tăng vì kết quả triển khai thanh, kiểm tra của các cấp, ngành chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Đồng thời, đề nghị Sở TN&MT, các cấp, ngành rà soát lại chiến lược BVMT, đánh giá các tác động môi trường của các dự án, rà soát lại các cơ sở ô nhiễm tiềm tang, tập trung xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm môi trường, tăng cường trách nhiệm về công tác BVMT cho các cấp chính quyền địa phương…
   
        
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Thanh Hóa, tính đến hết tháng 4/2014, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 5.500 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoảng 4.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, số cơ sở có nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường khoảng 530 đơn vị.
        
        
    
   
  Bài & ảnh: Anh Tú
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường ở Thanh Hóa: Giám đốc Sở TN&MT “đá bóng” trách nhiệm xuống địa phương?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO