Chiếc xe ba bánh đi qua ngã tư vào một ngày sương mù ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào ngày 30/3/2014. Ảnh: Reuters / Stringer |
Theo phân tích toàn cầu toàn diện nhất cho đến nay, ô nhiễm không khí làm chết ít nhất 9 triệu người và gây tổn thất hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, cảnh báo cuộc khủng hoảng "đe dọa sự tồn tại của xã hội loài người".
Nghiên cứu cho thấy gần như tất cả các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm – chiếm khoảng 92% - đều ở các nước nghèo hoặc trung bình. Đặc biệt, ở những nước công nghiệp hoá nhanh chóng như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Bangladesh, Madagascar, ô nhiễm là nguyên nhân gây ra một phần tư số trường hợp tử vong.
Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp được điều trị tại bệnh viện ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters / China Daily |
Giáo sư Philip Landrigan của Trường y học Icahn tại Mount Sinai, Mỹ - người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: "Ô nhiễm không chỉ là thách thức về mặt môi trường mà còn là một mối đe dọa sâu sắc và lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của sức khoẻ con người và phúc lợi xã hội”.
Theo nghiên cứu, ô nhiễm không khí là do giao thông vận tải, công nghiệp và sưởi ấm trong nhà và là nguyên nhân lớn nhất gây ra cái chết của 6,5 triệu người.
Người dân làng đi qua một con kênh nhiễm độc cao do nhiễm chì và các sản phẩm phụ khác từ khai thác mỏ chảy qua khu vực Chowa ở Kabwe, Zambia. Ảnh: Guardian / Larry C Price |
Nguyên nhân kế tiếp là do ô nhiễm nguồn nước, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa và nhiễm ký sinh trùng và làm chết 1,8 triệu người.
Số lượng lớn người chết liên quan đến ô nhiễm trong năm là ở Ấn Độ với 2,5 triệu người và Trung Quốc với 1,8 triệu người.
Nghiên cứu được tiến hành bởi khoảng 40 nhà khoa học quốc tế và được xuất bản trên tạp chí The Lancet mới đây. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu đo lường Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khoẻ (IHME) - Đại học Washington, Mỹ.
Mai Đan
Tổng hợp từ Reuters & Guardian