Một người phụ nữ bế một đứa trẻ đứng trên Parliament Hill ở Hampstead Heath và nhìn ra trung tâm London đầy sương khói hồi tháng 4/2015. Ảnh: Dan Kitwood / Getty Images |
Trong khi các chất gây ô nhiễm thay đổi theo thời gian, từ bồ hóng (muội than) đến khí thải phương tiện sử dụng động cơ diesel, nguy cơ về sức khỏe vẫn tồn tại.
Thuốc lá vẫn là mối đe doạ gây ô nhiễm không khí trong nhà lớn nhất, tuy nhiên, bếp lò đốt củi, xịt khử mùi, các sản phẩm làm sạch không khí và phun diệt ruồi cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này.
Ngoài ra, nấm mốc trong phòng ẩm ướt cũng có thể gây bệnh do ô nhiễm.
Theo báo cáo, ở trong nhà có thể giúp chúng ta chống lại ô nhiễm không khí ngoài trời nhưng cũng có thể khiến chúng ta hứng chịu các nguồn ô nhiễm không khí khác.
Báo cáo cho biết: "Hiện nay, mọi người đã có nhận thức tốt về những rủi ro từ các thiết bị khí kém hiệu quả, khí radon phóng xạ và khói thuốc lá thụ động. Mặc dù vậy, khi ở trong nhà, chúng ta cũng có thể bị tiếp xúc với NO2 từ việc đun nấu bằng khí gas và các dung môi ngấm từ nhựa, sơn và đồ nội thất”.
Xịt khử mùi, các sản phẩm làm sạch không khí và phun diệt ruồi cũng góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm |
Vẫn theo báo cáo, các mùi hương từ chanh và gỗ thông mà chúng ta sử dụng để làm thơm phòng có thể phản ứng hóa học, tạo ra các chất ô nhiễm không khí và chất làm sạch không khí sử dụng ozone cũng có thể gây ô nhiễm không khí trong nhà.
Giáo sư Jonathan Grigg, tác giả của nghiên cứu cho biết hiện nay, có bằng chứng rõ ràng rằng ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nhà máy và giao thông, có liên quan đến bệnh tim và các vấn đề về phổi, bao gồm cả bệnh hen suyễn.
Giáo sư Grigg cho rằng cộng đồng có thể hạn chế tình trạng ô nhiễm bằng cách đi bộ, đi xe đạp, xe bus hoặc xe lửa thay vì lái xe ô tô khi có thể; bảo quản các thiết bị khí và lò đốt nhiên liệu rắn trong tình trạng tốt; sử dụng năng lượng trong nhà tiết kiệm hơn.
Một tác giả khác của báo cáo, Giáo sư Stephen Holgate cho biết tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc cắt giảm ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo, hành động quốc gia nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cũng sẽ giúp cắt giảm ô nhiễm không khí, trong đó, đáp ứng mục tiêu phát thải các-bon ở Anh sẽ giảm 5.700 trường hợp tử vong mỗi năm và giảm số người nhập viện do mắc các vấn đề về tim, phổi.
Mai Đan
Tổng hợp từ BBC & Guardian