Nuôi trồng thủy sản làm gia tăng nguy cơ thoái hóa đất 

Bạch Thanh| 14/11/2019 18:40

(TN&MT) - Theo Báo cáo điều tra thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Bến Tre (Báo cáo) vừa được Sở TN&MT Bến Tre công bố, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, chính việc phát triển nuôi trồng thủy sản đã để lại những nguy cơ thoái hóa đất.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của Bến Tre

Là tỉnh ven biển nên nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của Bến Tre. Nhờ điều kiện tự nhiên đa dạng, nên hoạt động nuôi thủy sản phát triển khá phong phú, từ đối tượng nuôi đến hình thức nuôi gắn với từng vùng sinh thái. Toàn tỉnh có diện tích nuôi thủy sản theo mô hình nuôi thâm canh là 11.569ha, bán thâm canh là 245ha và 33.401ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Qua điều tra, đất nuôi trồng thủy sản có 10.581 ha bị thoái hóa, chiếm tỷ lệ 33,63%. 

Đánh giá về nguy cơ đối với thoái hóa đất, Báo cáo nêu rõ: Khi đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kênh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng. Tại 3 huyện ven biển Bến Tre hiện có trên 3.900ha đất nuôi thủy sản có mức phân cấp suy giảm pH cấp độ từ trung bình đến cao.

Nuôi trồng thủy sản cũng làm gia tăng mức độ lan truyền mặn vào sâu trong nội đồng. Nhiều khu vực sự lan truyền mặn diễn ra không kiểm soát được. Mô hình nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến nhiễm mặn thấp do hầu hết các hộ chỉ tiến hành nuôi 01 vụ/năm vào mùa khô, nước mặn. 

Đến mùa mưa, lợi dụng nguồn nước ngọt từ nước mưa để ngâm ao giúp rửa mặn cho đất, các ao nuôi theo mô hình này bị bỏ trống nhiều và tích tụ mặn do các hộ nuôi thiếu vốn và chưa chú trọng vào công tác xây dựng hệ thống kênh mương cấp thoát nước, tình trạng thiếu nước và hiện tượng bốc hơi mạnh sẽ làm lớp muối trắng tích tụ trên bề mặt. 

Do đó, sau vài vụ lớp đất mặt sẽ bị tích tụ mặn cao và mặt ruộng bị nâng cao làm cho lượng nước vào bị giảm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước để nuôi tôm và cũng không đủ lượng nước để rửa mặn cho vụ lúa, làm cho đất ngày càng bị nhiễm mặn nặng.

Ngoài ra, việc phát triển mô hình tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng ngọt trong thời gian qua đã gây ra những nguy cơ đối với suy thoái đất, làm cho đất có khả năng bị nhiễm mặn trong tương lai. Các cơ sở nuôi này đều tự khoan giếng lấy nước ngầm có độ mặn dao động từ 1,5 – 5,5‰ và pha thêm nước sông để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm thẻ chân trắng. 

Việc nuôi tôm vùng ngọt đã gây ra những nguy cơ đối với suy thoái đất

Báo cáo cho rằng, việc khoan giếng đã để lại tác hại khôn lường là giảm mực nước ngầm, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và là một trong những tác nhân gây sụt lún nền đất. Vấn đề này càng trở lên nguy hiểm đối với các huyện ven biển tỉnh Bến Tre, nơi sẽ bị ảnh hưởng khá nặng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc nuôi tôm như hiện nay hiệu quả kinh tế không bền vững, không theo quy hoạch, thu hẹp diện tích lúa, dừa, mía, cây ăn trái và còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm mặn hóa đất. 

Kết quả phân tích độ mặn môi trường đất trong các khu vực nuôi tôm và các khu vực không nuôi tôm cho thấy, đất tại các khu vực nuôi tôm có xu hướng nhiễm mặn rất nặng so với các khu vực không có hoạt động nuôi tôm. Qua khảo sát, vùng đất nuôi trồng thủy sản bị mặn hóa là trên 8.000ha, chủ yếu tập trung tại 3 huyện biển: Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. 

Từ những đánh giá trên, tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi tôm biển. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy định của cấp trên liên quan đến xử lý nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Các địa phương tiến hành nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp vùng ngọt hóa để thay thế con tôm biển.

Riêng đối với khu vực đất nuôi trồng thủy sản, thường xuyên vệ sinh đầm nuôi, ao nuôi, thay nước thường xuyên, đồng thời hạn chế tối đa quá trình đào đắp nhằm tránh bốc phèn lên bề mặt đất, làm tăng mức độ phèn hóa trong đất. Đất nuôi trồng thủy sản mặn, lợ thuộc các xã ven biển có thể kết hợp trồng rừng để xây dựng hệ thống canh tác kết hợp rừng với thủy sản.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 106.886ha đất bị thoái hóa, chiếm tỷ lệ 58,63% diện tích điều tra. Thoái hóa đất xảy ra ở cả 9 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre; trong đó, thoái hóa nặng 30.562ha, thoái hóa trung bình 44.364ha và thoái hóa nhẹ 31.960ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi trồng thủy sản làm gia tăng nguy cơ thoái hóa đất 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO