Nuôi hàu ở vịnh Lăng Cô- Thừa Thiên Huế: Nguy cơ phát sinh ô nhiễm

21/02/2014 00:00

(TN&MT) - Bây giờ, đứng bên QL1A nhìn ra đầm Lập An chỉ thấy cọc tre, cọc gỗ cắm chằng chịt...

   
(TN&MT) - Vịnh Lăng Cô (Phú Lộc- Thừa Thiên Huế), một trong những vịnh đẹp thế giới vừa thoát khỏi tình trạng ô nhiễm do khói bụi từ các lò nung vôi hàu; thì nay lại phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, mất dần cảnh quan do tình trạng nuôi hàu ồ ạt, không có quy hoạch của người dân địa phương.
   
Tập kết lốp xe cũ bên bờ để chuẩn bị nuôi hàu vụ mới
   
Mạnh ai nấy nuôi
   
  Vịnh đẹp Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nơi đây, có đầm Lập An rộng 1.600 ha được xem là một bức tranh thiên nhiên đẹp và cũng là nơi giúp cho nhiều người dân trong vùng ổn định cuộc sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản.
   
  Theo người dân địa phương, do địa chất, nguồn nước ở đầm Lập An nên con hàu rất thích nghi, phát triển tốt. Ngày trước, hễ cắm cọc tre, cọc gỗ xuống đầm là hàu đeo bám sinh sôi. Từ năm 2000, người dân chú trọng đến việc nuôi hàu trên đầm và trở thành một nghề mang lại nguồn thu đáng kể, ổn định đời sống của nhiều người dân quanh đầm. Ông Hoàng Tiếp ở thôn Loan Lý cho biết, nuôi hàu ở đầm Lập An là nghề làm chơi nhưng ăn thiệt. Chi phí bỏ ra ít, chỉ cắm cọc tre, cọc gỗ ở đầm sau một thời gian ngắn đã thu hoạch được hàu. Gia đình ông vốn là buôn bán nhỏ ở mặt đường Quốc lộ 1A (QL1A), nhưng vào dịp đầu năm tranh thủ cắm vài trăm cọc tre, cọc gỗ ở đầm là có thể kiếm ra bạc. Ông nhẫm tính, mỗi năm, gia đình ông cắm 500 cọc tre ở đầm là thu được bình quân khoảng 4 tấn hàu. Tùy giá lên xuống từng thời điểm, nhưng mỗi năm, ông thu khoảng 40-50 triệu đồng (khấu trừ chi phí không đáng kể). Chính từ hiệu quả đó nên bà con trong vùng đều chiếm dụng mặt nước trên đầm Lập An để nuôi hàu. Người nhanh nuôi trước thì sở hữu diện tích mặt đầm lớn, người chậm nuôi sau thì diện tích nuôi nhỏ hơn, không có sự phân chia cũng như quy hoạch rõ ràng từ chính quyền địa phương.
   
  Bây giờ, đứng bên QL1A nhìn ra đầm Lập An chỉ thấy cọc tre, cọc gỗ cắm chằng chịt. Chạy dọc theo đường Tố Tâm hay phía tây quanh đầm Lập An sẽ thấy dây lưới, cọc tre, cọc gỗ, lốp xe cao su giăng mắc lộn xộn dày đặc. Thực tế khi nhìn hình ảnh nhếch nhác quanh đầm Lập An, bức tranh Vịnh đẹp Lăng Cô không còn nguyên sơ, đẹp trong xanh như trước nữa.
   
   
Mặt đầm Lập An hiện nay chằng chịt với cọc tre, cọc gỗ để nuôi hàu
    
   
Đầm Lập An sẽ “chết” dần
   
  Một cán bộ địa phương cho biết, những năm trước, nuôi hàu chủ yếu bằng cọc tre, cọc gỗ cắm xuống mặt nước cho hàu bám vào. Cách nuôi đó làm cọc mau hư, không giữ được lâu. Khoảng 4 năm trở lại đây, người dân “sáng tạo” ra cách sử dụng lốp xe cao su thải ra để nuôi hàu. Do vật dụng này hàu không ăn được, nước không làm lốp xe bị hỏng, nên người nuôi đổ xô dùng lốp xe cũ để nuôi. Đến thời điểm này, hơn 200 hộ dân trong khu vực nuôi hàu bằng lốp xe, bình quân mỗi hộ cắm khoảng 3 đến 5 nghìn lốp. Ông Hoàng Tiếp nói, kể từ ngày bà con ồ ạt nuôi hàu bằng lốp xe, sản lượng thu hoạch hàu cuối vụ giảm đáng kể. Chính nguồn thu từ hàu hai năm gần đây của gia đình ông cũng giảm đi hơn 50% so với thời gian trước. Không riêng gia đình ông mà nhiều bà con trong khu vực cũng bị mất trắng vì trường hợp hàu chết non trong giai đoạn đầu. Với tình trạng đó, nhiều hộ đã không thu hoạch cứ để cọc, lốp xe ngâm dưới đầm năm này sang năm khác.
   
  Còn nhớ cách đây mấy năm, trước tình trạng người dân ồ ạt sử dụng vỏ lốp cao su nuôi hàu trên đầm Lập An, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo và hướng dẫn hạn chế hình thức nuôi này. Thâm chí nhiều người dân ở đây cũng nhận thấy rõ việc ngâm lốp xe mô tô lâu ngày dưới nước sẽ dễ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thuỷ hải sản sống ở đầm Lập An cũng như cảnh quan của vịnh Lăng Cô. Thế nhưng, do hộ này làm được, hộ khác làm theo và không ai ngăn cấm, dẫn đến làm mất cảnh quan, ảnh hưởng đến giao thông thủy nội vùng. Ông Hoàng Văn Dũng, ngư dân thôn An Cư Tây nói: “Cho đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể nào về tác động của việc sử dụng lốp xe nuôi hàu ở đầm Lập An ảnh hưởng đến môi trường nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ điều đó là nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước làm hàu chết và mong các ban ngành ngành chức năng cấp trên xem xét kiểm tra để chính quyền có cơ sở giải quyết xử lý”.
   
Thành quả nuôi hàu bằng lốp cao su
    
   
  Trao đổi về tình trạng nuôi hàu trên đầm Lập An, ông Trần Đình Vui- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho rằng, hiện nay chính quyền địa phương đã có phương án quy hoạch, sắp xếp lại việc nuôi hàu trên đầm Lập An, nhằm lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trong khu vực theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo cảnh quanh môi trường vịnh Lăng Cô. Tuy nhiên, thực tế chính quyền địa phương rất lúng túng, bởi kinh phí hạn hẹp nên đến thời điểm này vẫn chưa đẩy nhanh tiến độ. “Để trả lại cảnh quan môi trường du lịch của Vịnh đẹp Lăng Cô nhất thiết chúng tôi phải sớm vào cuộc. Thế nhưng, thực tế này rất mong các ngành các cấp quan tâm hỗ trợ cho chính quyền địa phương bởi khi triển khai đề án đặt ra nhiều vấn đề như hỗ trợ bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân đã gắn bó với nghề nuôi hàu từ đời này qua đời khác...”- ông Vui nói.
   
  Phương án tháo dỡ sắp xếp lại cọc trên đầm Lập An của UBND thị trấn Lăng Cô thực hiện với kinh phí 1.278 triệu đồng, do UBND huyện Phú Lộc cấp. Hiện tại đã thông kê có khoảng 244 hộ nuôi hàu với 142.440 cọc tre, gỗ và hơn 1.007.150 lốp xe chiếm khoảng 239ha mặt nước đầm. Ngoài ra chưa kể các loại đáy rớ, ngư lưới cụ đang nuôi trồng đánh bắt trên đầm. Kế hoạch sẽ tháo dỡ, sắp xếp lại đầm Lập An tại các vùng mũi Rạng Đình, mũi Cửa Khẩu, Vịnh Loan Lý, An Cư Tân, An Cư Đông, Mũi Chùa, An Cư Tây và sắp xếp lại từ mũi Đình Rạng đến Hói Dừa sau đó phân cụm hoặc phân thành nhóm để sản xuất chung theo tiêu chí:- vùng nuôi có độ sâu trung bình 2 mét, cách bờ từ 50 mét và phát triển ra khơi tối đa không quá 200 mét; mỗi cụm có quy mô 200- 400m2 và cụm cách cụm tối thiếu 15- 20m; phải để luồng lạch đi lại cho tàu thuyền ra vào bờ tối thiểu từ 50m trở lên; đồng thời không bố trí vùng có khe suối nước ngọt, nước thải và các vùng trao đổi nước kém có năng suất sản lượng thấp.
   
  Bài & ảnh: Xuân Giang- Hoàng Vân
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi hàu ở vịnh Lăng Cô- Thừa Thiên Huế: Nguy cơ phát sinh ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO