Nước ở các đô thị

Ngọc Lý| 24/10/2019 11:10

(TN&MT) - Chất lượng nước đô thị đang là vấn đề nổi lên ở các địa phương do tình trạng ô nhiễm. Mặc dù, hầu hết các thành phố đều có nguồn nước dồi dào, song chất lượng nước lại không đảm bảo an toàn cho mục tiêu sử dụng. Điều đáng lo ngại là nguồn nước mặt và nước dưới đất đều đối mặt với vấn đề chất lượng nước.

Hiện nay, 2/5 nguồn nước đô thị được khai thác từ nước dưới đất để phục vụ mục đích sinh hoạt và được xem có chất lượng cao hơn.

Tuy vậy, việc khai thác nguồn nước dưới đất quá mức đáp ứng các mục đích sử dụng đang làm cạn kiệt nguồn nước dưới đất ở một số khu vực, gây suy thoái nguồn nước về cả số lượng và chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân làm sụt lún đất.

Các tầng nước nông ở TP. Hà Nội, TP.HCM và một số khu đô thị khác đã và đang có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ. Ở một số khu vực của vùng đồng bằng, sự suy giảm về số lượng và chất lượng nước dưới đất đang làm tăng đáng kể chi phí cung cấp khi nhu cầu vận chuyển và xử lý chất lượng nước tăng lên.

Hệ thống cấp nước hiện tại có thể cung cấp nước 14 - 20 giờ một ngày và chất lượng nước về cơ bản là đảm bảo. Phần lớn những hộ gia đình trong đô thị không tiếp cận được nguồn nước máy, sẽ sử dụng nguồn nước do các xe téc cung cấp. Tại TP.HCM, có 2 triệu người đang sống phụ thuộc vào nguồn nước này. Ở các thành phố và thị trấn nhỏ hơn, khoảng 70% dân số tiếp cận được nguồn nước máy.

 

Mặc dù, giá nước đã bao gồm chi phí vận hành, song có thể vẫn chưa đủ kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng. Tính trung bình, các khoản tiền chi trả chung bao gồm chi phí hoạt động với biên độ 50%. Tuy vậy, tỷ lệ này đã giảm trong thập kỷ qua, với những tác động đối với tính bền vững về tài chính.

Ở nhiều nơi chất lượng nước thô đang suy giảm, do vậy, các công ty cấp nước có thể sẽ phải chuyển sang các nguồn cấp khác hoặc các quy trình xử lý đắt đỏ hơn, làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển nước. Điều này có thể khiến mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận nước sạch trở nên khó khăn.

Gần 10 năm trước, Chính phủ cũng nhận thức tầm quan trọng và lợi ích tiềm năng của việc giảm thất thoát nước và đặt mục tiêu giảm thất thoát nước 18% đến năm 2020 (Quyết định Thủ tướng Chính phủ 2147/2010/QĐ-TTg). Tuy vậy, do mức phí thấp và hạn chế ngân sách, thiếu năng lực kỹ thuật trong ngành cấp nước, việc đạt được mục tiêu giảm thất thoát nước còn là một thách thức.

Những vấn đề kể trên cho thấy, nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Với các đô thị, chất lượng nguồn nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí để đánh giá sự bền vững của đô thị. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào.

Ở Việt Nam, sự phát triển đô thị đã tạo ra những khoảng trống cần phải cải thiện về các dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường, đặc biệt, với phụ nữ và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Trên thế giới, các dự báo về tình hình cạn kiệt tài nguyên nước vẫn liên tiếp được đưa ra hàng năm. Có nhà khoa học còn dự báo, thảm họa tự nhiên kiểu như lũ lụt ở Pakistan, Úc, Việt Nam, Trung Quốc… được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới. Những trận lụt lịch sử 100 năm đang diễn ra với tần số dày hơn: mỗi 20 năm.

Và tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng khi các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.                        

Theo Báo in
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước ở các đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO