Nước ngọt nấu cơm sắp cạn

09/04/2015 00:00

Tân Phú Đông là huyện chịu hạn hán, ngập mặn nặng nhất của tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL. Không còn nước sinh hoạt, người dân nhảy ùm xuống sông tắm nước mặn...

 

Hơn 1 tháng nay người dân dùng nước mặn để giặt đồ, rửa chén.Ảnh: THÀNH AN
Hơn 1 tháng nay người dân dùng nước mặn để giặt đồ, rửa chén.Ảnh: THÀNH AN

Tân Phú Đông là huyện chịu hạn hán, ngập mặn nặng nhất của tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL. Không còn nước sinh hoạt, người dân nhảy ùm xuống sông tắm nước mặn rồi chỉ dám xả lại bằng một lon... nước ngọt. Nước dùng để nấu ăn cũng chỉ còn cầm cự được vài ngày.

Ngay cả con tôm sú sống bằng nước mặn cũng lăn đùng ra chết vì độ mặn quá cao. Người dân ngửa cổ than “lạy trời mưa xuống…” như bài đồng dao của con trẻ. 

Nâng niu từng giọt nước

Ông Võ Văn Vinh - ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh ngồi co ro trong nhà thở vắn than dài nhìn 15 cái lu đựng nước, cái nào cũng trơ đáy. “Tui đảm bảo 1 tuần nữa là tất cả nước dự trữ của cả xã này không còn nữa. Bây giờ chúng tôi tắm, giặt, rửa chén bát bằng nước mặn cả. Nước ngọt chỉ để dành nấu ăn, nhưng cũng chỉ cầm cự được 10 ngày là cùng”.

Xã Tân Thạnh nằm lọt thỏm ở Cồn Bà, tiếp giáp với tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Bị hai con sông lớn chia cắt, chính vì vậy hệ thống cấp nước cũng chưa tới. Xã có hồ nước rộng chưa đến 1ha, nhưng đã không còn nước để cấp cho người dân. Ông Huỳnh Văn Chính - một trong những người có mặt ở Cồn Bà này từ hồi chưa có UBND xã Tân Thạnh than thở: “Nào giờ chưa từng thiếu nước như vầy. Trước đây, khi chưa có hệ thống cấp nước, tới mùa hạn, ghe đổi nước ngọt dập dìu dưới sông. Cách đây hai năm Nhà nước đầu tư nước sạch, chúng tôi mừng lắm, nhưng năm nay không còn nước, cũng vắng bóng ghe đổi nước, nên chúng tôi muốn… chết khô rồi”. 

Gần cả tháng nay ông Chính tắm nước mặn xả lại bằng nước ngọt, cố giữ lại 1 lu nước ngọt để uống trà. Hôm nay, lu nước của ông cũng gần trơ đáy. Đại lý thức ăn nuôi tôm của ông Mười Nhỏ gần đó mấy ngày nay không còn nước sinh hoạt, chị Phạm Thị Gái rửa chén, giặt đồ bằng nước mặn. Chi than thở: “Hôm qua có nước lại, nhưng mặn lắm, không nấu nướng gì được đâu. Hôm nay cúp mất tiêu luôn rồi. Giặt đồ bằng nước mặn tốn bột giặt lắm vì nó không chịu lên bọt gì hết. Quần áo phơi khô mặc vào nó... cứng ngắc”.

Ao Tân Xuân, xã Phú Thạnh từ lâu vốn đã không ai sử dụng đến và ao này cũng không nằm trong hệ thống điều phối nước của Cty TNHH MTV nước nông thôn tỉnh Tiền Giang. Nhưng do không còn nước sinh hoạt, người dân đổ xô đi xách nước về sử dụng. Người tắm cứ nhảy ùm xuống kỳ cọ. Kẻ cần thì mang can, thùng múc về xài. Họ biết như vậy là mất vệ sinh, nhưng biết làm sao được khi mà nguồn nước ngọt đã cạn kiệt.

Ngôi nhà ông Võ Văn Vinh, 70 tuổi, ấp Tân Đông, xã Tân Thanh có 15 chiếc lu đựng nước mưa đến nay không còn giọt nước. Ảnh: NHẬT HỒ
Ngôi nhà ông Võ Văn Vinh, 70 tuổi, ấp Tân Đông, xã Tân Thanh có 15 chiếc lu đựng nước mưa đến nay không còn giọt nước. Ảnh: NHẬT HỒ

Sẽ chưa hết… khát

Chuyện thiếu nước ngọt tại huyện Tân Phú Đông năm nào cũng xảy ra vào những tháng mùa khô. Tuy nhiên, năm nay hạn mặn đến sớm hơn 1 tháng làm cho cả chính quyền và người dân trở tay không kịp. Anh Nguyễn Văn Cường - Phó chánh VP UBND huyện Tân Phú Đông nêu thực trạng: “Nước ngọt hiện tại là chuyện nóng nhất của huyện. Lãnh đạo tỉnh liên tiếp đến đây kiểm tra, nhưng tình hình xem ra rất khó đáp ứng cho người dân”. Trước thực trạng này huyện Tân Phú Đông đề nghị các cơ quan, đơn vị tuyệt đối tiết kiệm nước, tăng cường kiểm tra xử lý những người lợi dụng tình trạng khan nước ngọt làm giá đối với người dân. Công an huyện Tân Phú Đông đề nghị cán bộ, chiến sĩ nhường nước cho dân bằng cách tuyệt đối tiết kiệm nước. Đoàn thanh niên phát động phong trào tiết kiệm nước vì dân…

Ông Trần Văn Hải - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Phú Đông đứng ngồi không yên khi nói chuyện nước với chúng tôi. Ông đưa ra con số, huyện có 44.000 dân, trên 12.000 hộ mà 8 ao dùng để cấp nước ngọt cho dân chứa được 180.000m3 thử hỏi làm sao mà không thiếu. Nhưng đến nay thì cả 8 ao cấp nước ngọt này cũng đã kiệt gần hết, chỉ còn lại ao 6ha là còn khoảng 104.000m3. Thực địa tại các trạm cấp nước, chúng tôi ghi nhận hiện trạng rất đáng ngại: Trạm Tân Thạnh, Tân Thới đang làm vệ sinh ao chứa; trạm Phú Đông độ sâu nước trong ao chưa tới 0,3m, khối lượng nước trong ao chưa đến 4.500m3; trạm Tân Thành độ sâu nước trong ao còn 0,4m, khối lượng chưa tới 2.000m3. Với mức nước trong ao như vậy không đủ áp suất để đưa nước đến các hộ dân. Ông Trần Văn Hải phân tích: “Do hệ thống ống cấp nước chưa đồng bộ, áp lực thấp khiến cho nước không chảy đến những nơi xa được”.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang đề nghị Cty TNHH MTV cấp nước nông thôn tạm thời ngừng cung cấp, sửa chữa đường ống, làm vệ sinh các ao để lấy nước từ nơi khác cấp chuyền vào ao trữ nước. Để làm được điều này cần có thời gian. Mà trong thời gian làm vệ sinh ao trữ nước thì lại khiến cho người dân thiếu nước càng thêm thiếu. Chiều 8.4 Cty TNHH MTV cấp nước nông thôn chở 2 sà lan nước từ Rạch Miễu (cách đó 60km) về bơm vào ao Tân Thành trong khi cải tạo chưa xong khiến cho người dân nếm nước ngọt có vị mặn, không thể nấu ăn được.

Tân Phú Đông nổi tiếng trồng sả với diện tích gần 100ha, tuy nhiên hai bên đường, những vườn sả mùa này xơ xác lá; vườn mãng cầu xiêm vàng úa… Ông Trần Văn Nên thở dài “Người còn khát gần chết nữa huống chi cây. Nhìn cây cỏ úa lá mà rầu thúi ruột nhưng biết làm sao”.

TP.Bến Tre cũng sẽ thiếu nước nếu 1 tháng nữa trời không mưa

Tin từ Sở NNPTNT Bến Tre 8.4, tình trạng xâm nhập mặn đã vào sâu trong các kênh, rạch trong tỉnh. Các huyện ven biển như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đều khan hiếm nước sạch. Hiện tại người dân phải đổi nước sạch với giá 20.000 đồng/bình 20 lít. Theo nhận định của Sở NNPTNT Bến Tre, nếu 1 tháng nữa trời không mưa, TP. Bến Tre cũng thiếu nước ngọt. Trong khi đó, nắng nóng kéo dài, độ mặn trong nước tăng cao khiến cho bãi nghêu xã Tân Thành, thị xã Gò Công chết hàng loạt, thiệt hại trên 13.000 tấn nghêu. Toàn bộ diện tích nuôi tôm của các địa phương ven biển Tiền Giang đều trễ thời vụ do độ mặn và nắng nóng khiến người nuôi không dám thả con giống.N.H

Theo Lao Động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước ngọt nấu cơm sắp cạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO