(TN&MT) - Bỗng dưng ngao chết một cách... “tức tưởi” cuốn đi bao thành quả của bà con nuôi ngao Thái Bình ra sông ra biển. Những ngày này, người dân chỉ còn biết ngậm ngùi khi nhìn biết bao mồ hôi, nước mắt và hy vọng thoát nghèo nay biến thành... rác thải.
Ngao “cười” – người khóc
Với bà con bám biển ở Thái Bình, nuôi ngao đã từng là thứ “ánh sáng diệu kỳ” biến những ước mơ tỷ phú trở thành hiện thực. Nghề nuôi ngao được mệnh danh là nghề “đi chơi bằng xe camry và đi làm bằng máy bay Boing” bởi sự giàu nhanh và mức độ chịu chi, chịu chơi của những ông... “vua ngao” trên đất lúa. Nhưng tới thời điểm hiện tại, vẫn bờ bãi ấy, ngao đang làm cho biết bao người điêu đứng, khốn đốn vì bỗng dưng ngao chết. cuốn cả trăm tỉ đồng ra biển.
Có mặt tại bãi biển Đồng Châu trứ danh thuộc xã Đông Minh, Tiền Hải, Thái Bình những ngày này không khí thật nặng nề, ảm đạm. Trên bờ biển đoàn người ngược xuôi đang vận chuyển từng bao tải ngao hôi thối. Dưới bãi, từng tốp người đầu bịt kín, lặng lẽ không một tiếng nói cười đang cào xác ngao dày như vỏ trấu, thi thoảng chỉ buông một tiếng thở dài ngao ngán...mất hết rồi...
Hy vọng đổi đời nhờ ngao đã tắt
Nhìn cánh đồng ngao chết trắng xóa, lấy tay lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên khóe mắt, chị Phạm Thị Thêu thẫn thờ tâm sự: “Bao nhiêu vốn liếng, công sức, tiền của chỉ hi vọng kiếm được ít lãi từ việc nuôi ngao, nhưng đến thời điểm này gia đình tôi gần như mất hết, số nợ vay vốn ngân hàng không biết phải làm như thế nào. Gia đình nuôi tổng cộng 11.000 con ngao thương phẩm sắp đến thời kỳ thu hoạch, nhưng đến thời điểm này ngao chết trắng cả bãi, đi nhặt xác ngao mà gia đình tôi không cầm được nước mắt”. Bi đát hơn là gia đình anh Minh, anh Vang cũng thuộc xã Đông Minh. Vốn là con một thương binh hạng nặng, mấy năm trước có dành dụm và đi mượn được ít vốn liếng về thuê bãi đầu tư nuôi ngao với hi vọng đổi đời, nhưng sau thiệt hại năm 2009 rồi cơn bão số 12, cộng thêm “đại tang ngao” lần này đã lấy đi tất cả vốn liếng. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng trăm tỉ đồng mất trắng mà người nuôi ngao đang phải gánh chịu.
Theo thống kê của xã Đông Minh, toàn xã có hơn 446 ha diện tích bãi triều nuôi ngao, trong đó có 317 ha diện tích nuôi ngao theo hợp đồng. Bắt đầu từ ngày 10/8 xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt, nơi thấp tỷ lệ thiệt hại từ 20 đến 30%, nơi cao thiệt hại từ 70 đến 90%, tổng sản lượng thiệt hại lên đến 9.497,6 tấn, ước tính 108,1 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh, huyện Tiền Hải cho biết: “Tình trạng ngao chết xảy ra từ ngày 8/8, nhưng đến ngày 10/8 ngao bắt đầu chết hàng loạt trên diện rộng, chủ yếu là ngao thương phẩm. Trong số 281,1 ha thương phẩm thì số ngao chết chiếm từ 50 đến 90%. Nhận định ban đầu cho thấy nguyên nhân dẫn đến con ngao bị chết là do mưa lớn, các cống mở tháo nước trong đồng, nồng độ nước biển giảm xuống còn 8%, con ngao bị sốc nước ngọt, cộng với thời tiết nắng nóng dẫn đến ngao chết hàng loạt. Còn nguyên nhân chính thì đang chờ các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ”.
Cũng như xã Đông Minh, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải có 1.400 ha nuôi ngao, cũng trong mấy ngày gần đây có 400 ha xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt. Trong đó, khoảng 200 ha có tỷ lệ ngao chết tới trên dưới 80%, thiệt hại ước tính cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tình trạng ngao chết hàng loạt khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, nhiều hộ gia đình nhẹ thì thiệt hại vài trăm triệu đồng, nặng thì lên đến hàng tỷ đồng.
Không quá nặng nề như huyện Tiền Hải nhưng việc ngao thương phẩm bỗng nhiên chết hàng loạt cũng đang khiến nhiều hộ nuôi ngao ở huyện Thái Thụy điêu đứng. Tại xã Thái Ðô, được biết có khoảng 60 ha diện tích có ngao chết. Trong đó, 15/50 ha diện tích nuôi ngao thuộc Cty Minh Phú ngao chết đến 70 - 80%, lượng ngao chết ước tính lên tới 600 tấn. Trong khi đó, tại 120 ha diện tích nuôi ngao của xã Thụy Trường, cơ quan chuyên môn cũng ước tính người nuôi ngao ở đây vừa mất trắng 805 tấn ngao thương phẩm, trị giá nhiều tỷ đồng…
Hiện, thiệt hại của bà con nông dân là chưa thể thống kê hết bởi ngoài số lượng ngao đã chết còn phải mất thêm một khoản chi phí lớn cho việc thu gom rác, dọn vệ sinh do xác ngao chết gây ra. Đây cũng đang là một vấn đề nhức nhối trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các bãi biển có diện tích nuôi ngao bị thiệt hại.
Nỗi đau thiệt hại và thảm họa môi trường
Ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng ngao bị chết bất thường tại các vùng nuôi ngao của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Hải đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản và UBND các xã tiến hành khảo sát, lấy mẫu để xác định tỷ lệ, nguyên nhân và diện tích ngao chết. Nguyên nhân ngao bị chết, theo đánh giá ban đầu là do yếu tố môi trường, nhiệt độ tăng cao (do ảnh hưởng của gió Tây Nam trái mùa), độ mặn tăng cao bất thường gây sốc cho ngao, thêm vào đó là các hộ nuôi với mật độ cao (800 - 1.000 con/m2).
Hiện tại, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I vẫn đang xét nghiệm mẫu ngao chết để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất, từ đó đưa ra giải pháp ngăn chặn. Trong khi đó, theo nhiều người dân nuôi ngao ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, thủ phạm gây nên thảm cảnh "đại tang ngao” những ngày qua không hẳn vì những nguyên nhân trên mà chính là do các bãi ngao phải hứng chịu nguồn nước ô nhiễm, chưa qua xử lý từ sông Trà Lý và sông Lân xả thải ra…
Nhưng có một điều đáng buồn, mặc dù cho rằng nguyên nhân là việc phải hứng chịu ô nhiễm nhưng chính người nuôi ngao lại cũng đang làm ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng tới môi trường sống của ngao. Có mặt ở những bãi biển thuộc các xã ven biển mới thấy hàng loạt những đống xác ngao chết được đổ tùy tiện trên các con đê ven biển. Xác ngao đổ tràn lan tùy tiện cộng với mùi hôi thối đang khiến môi trường trở nên ngày càng ô nhiễm. Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra khuyến cáo với người dân là phải gom vỏ ngao chết đem đi chôn tại nơi quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới vùng nuôi nhưng người dân vẫn không thực hiện. Ở xã Đông Minh, khi nước triều rút, hàng trăm bao tải xác ngao chết đang được đổ bỏ một cách tùy tiện ngay cả trong khu vực nuôi thả cũng chỉ chôn lấp sơ sài mà chưa hề có xử lý.
Những bãi vỏ ngao được đổ đầy trên bãi biển
Chia sẻ về điều này, ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết, UBND xã cũng đã tập trung chỉ đạo, huy động nhân lực, tuyên truyền cho người dân đưa xác ngao chôn ở những bãi cao, tránh việc ô nhiễm môi trường, đồng thời tiến hành thau rửa diện tích nuôi ngao tránh việc ngao chết lan rộng thêm. Tuy nhiên, do thiệt hại là quá lớn người dân không còn kinh phí khiến việc xử lý ngao chết gặp nhiều khó khăn, điều này cũng đang vô tình làm ảnh hưởng tới số lượng ngao còn sống.
Theo đại diện Chi cục BVMT thuộc Sở TN&MT Thái Bình cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, Sở đã ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cống xả nước theo phản ánh ô nhiễm của bà con, giúp người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời hướng dẫn bà con tổ chức thu dọn sạch ngao chết, thối rữa, tránh gây ô nhiễm môi trường làm ngao chết nhiều hơn. Gom ngao chết xử lý theo đúng nơi quy định, không được đổ trực tiếp ra sông, biển.
Hạn chế thiệt hại và tháo gỡ khó khăn cho bà con trong thời gian tới để tiếp tục tái sản xuất là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên cũng cần có một định hướng nhằm phát triển nghề nuôi ngao thương phẩm một cách bền vững.
Nguyễn Cường