Vụ phun trào từ Semeru, ngọn núi cao nhất trên đảo chính Java của Indonesia, cách thủ đô Jakarta khoảng 640 km về phía Đông, xảy ra sau một loạt trận động đất ở phía Tây Java, trong đó, có một trận vào tháng trước làm hơn 300 người thiệt mạng.
Ông Tholib Vatelehan, phát ngôn viên của Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) cho biết, cơ quan tìm kiếm và cứu nạn của tỉnh đã huy động các đội đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất gần núi Semeru để đánh giá thiệt hại nhưng mưa đã gây cản trở hoạt động này.
Ngọn núi cao 3.676 mét đã phun trào vào 14h46 chiều 4/12 (theo giờ địa phương). Cảnh quay do người dân địa phương thực hiện cho thấy, một đám khói đen khổng lồ bốc lên từ núi lửa, che khuất bầu trời và những cánh đồng lúa xung quanh, đường sá và cầu cống. Bộ Môi trường Indonesia chia sẻ một video trên Twitter cho thấy, dòng dung nham, đá và khí nóng chảy xuống sườn núi.
Ngày 4/12, Trung tâm Giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Indonesia (PVMBG) đã nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Semeru lên mức cao nhất. Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo cho người dân không đến gần miệng núi lửa trong vòng 8 km, hoặc 500 mét dọc theo bờ sông do nguy cơ dòng dung nham. Các nhà chức trách cho biết, gần 2.500 người buộc phải sơ tán.
Năm 2021, núi lửa Semeru phun trào đã khiến hơn 50 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác phải di dời. Thảm họa này khiến toàn bộ đường phố ngập trong bùn và tro, nhấn chìm nhà cửa và xe cộ, buộc gần 10.000 người phải di dời tìm nơi ẩn náu. Tình trạng cảnh báo của núi lửa Semeru vẫn ở mức cao thứ hai kể từ đợt phun trào lớn trước đó vào tháng 12/2020.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", nơi các mảng lục địa gặp nhau gây ra hoạt động địa chấn và núi lửa đáng kể. Quốc gia quần đảo Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động. Với 142 núi lửa, Indonesia có dân số lớn nhất toàn cầu sống trong phạm vi gần núi lửa, trong đó có 8,6 triệu người trong phạm vi chỉ 10 km.