Tác động của những vụ núi lửa phun trào có thể làm chậm quá trình “ấm lên” của Trái Đất. Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, bang California, Mỹ.
Theo nghiên cứu trên, núi lửa phun trào làm bắn ra những hạt bụi lưu huỳnh nhỏ, hay còn gọi là aerosols, lên không trung, nơi các phân tử này hoạt động như một tấm gương phản chiếu tia nắng Mặt Trời và nhờ đó ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất.
Trong bài viết trên tạp chí Khoa học địa lý tự nhiên (Nature Geoscience), tiến sỹ Benjamin Santer cho biết do không tính đến tác động của các vụ núi lửa phun trong những năm đầu thế kỷ 21, nên các nghiên cứu trước đây đã đưa ra mức dự báo quá cao về tình trạng ấm lên của tầng đối lưu ghi nhận được kể từ năm 1998.
Tiến sỹ Santer cho rằng để có được kết quả chính xác hơn, cần phải tính tới tác động cụ thể của các vụ núi lửa phun khi lập các mô phỏng mẫu khí hậu.
Các nghiên cứu đã cho thấy năm 1991, vụ núi lửa Pinatubo ở Philippines phun trào - được đánh giá là vụ núi lửa hoạt động lớn thứ hai trong thế kỷ 20 với hàng triệu tấn bụi và khí phun ra từ miệng núi lửa này lan tỏa trong vòng bán kính 21 dặm (khoảng hơn 30km) - đã giúp nhiệt độ trung bình trên Trái Đất giảm 0,5 độ C trong hai năm sau đó.
Nghiên cứu nhấn mạnh vụ núi lửa Pinatubo cùng với vụ phun trào lớn của núi El Chichon tại Mexico hồi năm 1982 đã “có tác động quan trọng tới sự thay đổi tính theo thập niên của tỷ lệ ấm lên trên toàn cầu.”
Bên cạnh đó, 17 vụ phun trào nhỏ hơn xảy ra sau năm 1999 cũng đã làm tăng nồng độ bụi tích lũy trên tầng khí quyển cao lên tới 7%/năm từ năm 2000-2009.
Theo TTXVN
Núi lửa Tungurahua ở Ecuador phun trào tháng 12/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)