Nữ Tiến sĩ đầu tiên của ngành Địa hình quân sự: Trí tuệ tạo dấu ấn

Phạm Vân Anh| 07/03/2023 12:38

(TN&MT) - Lâu nay, nhắc đến nữ quân nhân, thường mọi người nghĩ, nhiệm vụ của họ chủ yếu là những phần việc không quá phức tạp như văn thư, thống kê, hậu cần.

Nhưng trên thực tế, có những nữ quân nhân bằng bản lĩnh, nghị lực và trí tuệ của mình đã tạo nên “dấu ấn” trên những phương diện đặc thù. Một trong những “bóng hồng áo lính” như thế là Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương - Trợ lý Phòng Bản đồ - Viễn thám, Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Chị thực sự là một trong những nữ chuyên gia uy tín của ngành Địa hình quân sự.

Lần đầu tiên tôi được gặp nữ quân nhân đặc biệt này là khi chứng kiến chị tác nghiệp trước sa bàn tương tác và công nghệ CNC phục vụ diễn tập chiến lược miền Trung MT22 (tháng 9/2022) do chị đề xuất và phối hợp với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tư vấn Tiến Phát nghiên cứu hoàn thiện cho Cục Bản đồ. Khi đó, có một cán bộ đã thốt lên rằng “Đó là một tác phẩm nghệ thuật và cô ấy là một nghệ sĩ”. Lời nói của anh cũng chính là cảm xúc của tôi bởi dẫu đã từng “vạn nẻo biên cương”, nhưng khi nhìn giang sơn gấm vóc thu nhỏ trong vẻn vẹn chỉ mấy mét vuông, từng ngọn núi, dòng sông, xóm làng bé xíu hiện lên tinh tế và những thông số, tên gọi từng vị trí trên địa đồ được chị diễn giải rành mạch, tôi thực sự nể phục trước trí nhớ và thao tác thuần thục của chị.

z4158668176100_6963a8c2d411ccb188ac2d6c44a96801(1).jpg

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương hoàn thiện sa bàn tương tác và công nghệ CNC.

Sinh năm 1975, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, chị Nguyễn Thị Lan Phương về công tác tại Xí nghiệp Trắc địa, Công ty Trắc địa Bản đồ trực thuộc Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu. Dẫu chỉ là nhân viên kỹ thuật của một xí nghiệp với vài năm tuổi nghề, chị từng được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách một tổ kỹ thuật số hóa bản đồ Việt - Lào phục vụ phân giới cắm mốc. Trong điều kiện vô cùng gấp gáp về thời gian, con thì còn nhỏ, chồng lại đi công tác xa nhà… nhưng chị đã nỗ lực để lãnh đạo tổ, bao gồm các cán bộ kỹ thuật tay nghề cao lựa chọn từ nhiều xí nghiệp khác nhau, làm việc ngày đêm với tinh thần trách nhiệm cao nhất và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với quan niệm “Được làm việc đúng chuyên môn và làm ra cái đẹp là niềm vui nho nhỏ mỗi ngày”, Thượng tá, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Phương luôn chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, góp phần cải tiến phương thức tổ chức sản xuất phục vụ nhiệm vụ đảm bảo tư liệu địa hình của ngành. Đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học, nữ tiến sĩ này đã nỗ lực không ngừng, bám sát nhu cầu thực tế, chủ động đề xuất và thực hiện tốt các nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế tại các đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội, góp phần giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất tư liệu địa hình và đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, để đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn, chị Lan Phương đã nỗ lực hoàn thiện trình độ và đăng ký nghiên cứu sinh, trở thành nữ Tiến sĩ đầu tiên của ngành Địa hình quân sự.

Chị tâm sự: “Để hoàn thành được Luận án tiến sĩ kỹ thuật với số phiếu 7/7 xuất sắc đúng thời hạn 3 năm đối với tôi vừa là động lực, vừa là thử thách lớn đòi hỏi phải cố gắng gấp đôi. Bởi công việc cơ quan vô cùng bận rộn với các đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã đăng ký, đứa con thứ 2 của tôi mới tròn 2 tuổi nên nhiều lúc căng thẳng muốn bỏ cuộc. Song tôi lại tự động viên mình dấn bước, lần lượt hoàn thành chứng chỉ Tiếng Anh, các tín chỉ theo quy định và bảo vệ thành công Luận án”.

Những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn đã được chị ứng dụng hiệu quả vào nhiệm vụ chuyên môn. Ngành bản đồ và sa bàn quân sự đòi hỏi tính chính xác cao, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn vì đó là bảo bối giúp quân đội ta nắm bắt được địa hình chính xác nhất nên nhiệm vụ này không chỉ cần đến trí tuệ, kinh nghiệm mà thực sự cần đến tâm huyết, sự bền bỉ và cẩn trọng hơn người.

Không quản ngại đi điền dã thực tế, thức nhiều đêm để so sánh, phân tích dữ liệu ảnh viễn thám… các dự án, đề tài mà chị tham gia đã góp phần tạo ra một hệ thống thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ hoàn chỉnh, kịp thời bảo đảm cho các hoạt động quân sự, quốc phòng của Quân đội và tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên bộ, trên biển và hải đảo.

dao-tao-cho-can-bo-cu-ba-tai-lahabana-2014.jpg
TS Nguyễn Thị Lan Phương với lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật Cu Ba tại Lahabana - 2014.

Khó lòng thống kê được khối lượng công việc mà người phụ nữ ấy đã hoàn thành xuất sắc trong đời binh nghiệp của mình. Chỉ biết, riêng từ năm 2015 đến nay, Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương là thành viên chính tham gia 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và biên soạn 3 cuốn sách khoa học công nghệ của ngành, tham gia viết 23 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, Hội thảo khoa học và Thông tin địa hình quân sự. Hằng năm, chị cũng thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, tập huấn và kiểm tra Hội thao kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu của ngành Địa hình quân sự trong lĩnh vực Bản đồ - Viễn thám - Hệ thông tin địa lý toàn quốc...

Với trình độ và trải nghiệm của mình, chị được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia đào tạo kỹ thuật - công nghệ Địa hình tiên tiến cho cán bộ kỹ thuật nước ngoài như: Công nghệ Bản đồ số - Viễn thám - Hệ thông tin địa lý (Lào, 2015); Công nghệ thành lập bản đồ số (Campuchia, 2017); Công nghệ Bản đồ số - Viễn thám (Cu Ba, 2017); Biên tập, chế in bản đồ từ cơ sở dữ liệu nền địa lý (Lào, 2019). Đồng thời nhiều lần tham gia các đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về thẩm định sản phẩm Bộ bản đồ phân giới Việt Nam - Campuchia.

Rất nhiều sĩ quan có kinh nghiệm trong ngành bản đồ - viễn thám các nước đã từng làm việc hoặc trao đổi nghiên cứu với chị đều vô cùng khâm phục nữ quân nhân nhỏ bé này. Tại những quốc gia mà chị đã qua trên cương vị là chuyên gia, giảng viên quốc tế, luôn để lại những tình cảm ấm áp, niềm tin yêu trong lòng các học viên nói riêng, sự trọng thị của các cơ quan phối kết hợp tổ chức thực hiện. Bài giảng của chị không chỉ là các bản cứng, bản mềm mà còn được dựng thành các video công phu và đầy tâm huyết, đã giúp cho việc đào tạo và tự đào tạo của các học viên được nâng cao hơn rất nhiều. Có nhiều học viên đã từng nói vui rằng: “Giờ ngày nào em cũng mở video ra để nghe tiếng cô giảng bài…”.

Không chỉ xuất sắc trong nhiệm vụ chuyên môn, Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương còn là Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở cơ quan Cục Bản đồ. Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, chị đã cùng tập thể BCH Hội và các hội viên xây dựng mối đoàn kết, gắn bó, thân ái. Từ đó, tham gia có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội như: ủng hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng... cùng nhiều hoạt động ý nghĩa trong phong trào “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”.

Từ năm 2018 đến nay, Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”. Chị đã và luôn mang trong mình phẩm hạnh kiên trung, bình dị, trách nhiệm cao của “Bộ đội cụ Hồ” cùng sự đảm đang, thuần hậu và ấm áp yêu thương như bao phụ nữ Việt Nam khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ Tiến sĩ đầu tiên của ngành Địa hình quân sự: Trí tuệ tạo dấu ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO